Kiếp nạn sát thân của Ngọc Thố

Ngọc Thố vốn là thỏ cưng của Hằng Nga, yên vui với việc giã thuốc và cuộc sống tiên cảnh, vốn rất yên bình.

Vì sao lại bày trò chui xuống hạ giới bẫy Đường Tăng làm chi cho nên tội?

Cũng không phải con thỏ này muốn ăn thử thịt thà cho biết với nhân gian. Đầu đuôi câu chuyện sao, kể rõ khúc giữa cho mấy bạn nghe nè.

1. CHUYỆN 1 BÌNH THUỐC VỠ

Ngọc Thố vốn tâm hồn khá hồn nhiên ngây thơ. Thường mỗi năm khi Thái Dương Tinh Quân hội ngộ Thái Âm Tinh Quân (là Hằng Nga), thì có lính là Kim Ô tướng quân cũng đi theo và làm bạn với các tiên nữ ở cung Quảng Hằng.

Kim Ô tướng quân đùa giỡn với Ngọc Thố. Bên cạnh có tiên nữ Tố Nga, vốn có tâm tình tương tư vị tướng quân đẹp trai này, nên sinh lòng ghen tức.

Sẵn đang cầm bình thuốc do Ngọc Thố vừa hoàn thành xong, Tố Nga tiện tay quăng cho vỡ để bắt vạ Ngọc Thố.

Hằng Nga tới xem chuyện, lại nghe lời Tố Nga vu họa, mà bắt giam Ngọc Thố 18 ngày.

Tâm trạng Ngọc Thố, chỉ trong giây phút và những ngày trong ngục, đã diễn tiến thay đổi chóng vánh.

  1. Là sự bất ngờ, chưng hửng khi Tố Nga làm đổ bình thuốc
  2. Là sự bực tức khi nghe Tố Nga vu oan cho mình
  3. Là sự bất mãn khi Hằng Nga chưa truy xét kỹ, đã tống giam vào ngục
  4. Là sự căm thù lớn dần, khi từng ngày gặm nhắm nỗi bất mãn ức chế trong ngục.

Ngọc Thố căm hờn cả Tố Nga và Hằng Nga. Ý muốn trả thù nhen nhúm. Cô phải trả thù Tố Nga. Và còn phải mau chóng tu lên level cao, ngang bằng Hằng Nga, để không bị chà đạp uất hận nữa.

Thật không biết hên hay xui, giữa lúc cái ý muốn hành động đó sôi sục, thì lại có cao nhân tới mở cửa ngục, giúp Ngọc Thố trốn thoát vào ngày thứ 17. Sớm hơn 1 ngày.

Cao nhân đó còn cho biết, Tố Nga vì tưởng Kim Ô tướng quân đã bị phạt xuống trần, nên ả cũng đầu thai xuống trần theo.

Ngọc Thố quá dễ dàng để biết Tố Nga đang là công chúa nước Thiên Trúc.

Nàng thổi bay công chúa chính trôi dạt vô chùa, và biến thành công chúa ở trong điện ngọc cung son, đợi Đường Tăng tới.

Đợi làm gì? Vì nghe nói ăn thịt Đường Tăng sớm tu thành chánh quả.

Thật là trùng hợp. 1 sự giáng trần vừa trả thù được Tố Nga, vừa sớm đắc đạo để mà thoát khỏi sự cai quản vô lý của Hằng Nga.

2. TRỐN NGỤC VÀ KIẾP NẠN SÁT THÂN

Người giúp Ngọc Thố trốn khỏi ngục là ai? Người đó có ân oán gì mà giúp Ngọc Thố, không sợ bị liên lụy và quở phạt của cả thiên đình vậy?

Xin thưa, người đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Tại sao Bồ Tát lại giúp Ngọc Thố thực hiện âm mưu trả thù của mình?

Bởi vì Bồ tát biết Ngọc Thố sắp mang họa sát thân vào ngày thứ 18, tức là ngày hôm sau nếu cô thoát khỏi ngục.

Hằng Nga vốn không phải không biết phân biệt phải trái đúng sai. Người cho nhốt Ngọc Thố 18 ngày, là để Ngọc Thố có thể an toàn ở yên 1 chỗ mà thoát khỏi tai kiếp này.

Vậy thì tại sao Bồ Tát đưa Ngọc Thố vào chính cái kiếp nạn sắp tới.

Vừa giúp mà vừa hại, vừa cứu lại vừa đẩy vào biển lửa. Cái trí tuệ thâm sâu thật khó mà hiểu được.

Nhưng có thể thấy, Ngọc Thố được dịp xuống trần thực hiện âm mưu của mình.

Chính cái âm mưu và cái hận thù trong lòng, là tác nhân tạo nên cái kiếp nạn sát thân cho Ngọc Thố.

Ả muốn ăn thịt Đường Tăng thì dĩ nhiên phải vượt qua ải Tôn Ngộ Không. Đánh nhau cả ngày, ả trọng thương sắp chết.

3. TRẬN CHIẾN SINH TỬ

Trong lúc Ngọc Thố lê lết giữa lằn ranh sinh tử, ả thấy Tố Nga – hiện là công chúa Bạt La nước Thiên Trúc, nhảy lầu tự tử.

Nàng đã ngộ ra và dùng chút hơi tàn còn lại, bay lên cứu Tố Nga. Và nàng nằm im bất động.

Diễn biến tâm trạng của cả Tố Nga và Ngọc Thố, trong vài ngày đối diện nhau và đưa đến cảnh cuối đầy chết chóc rình rập này, thật sự khó mà lột tả cho hết được.

Tố Nga, khi là công chúa trần thế, vốn bản tính ương ngạnh, chất tiên còn nhiều, nên không coi trọng người dương gian, kể cả là vua cha và hoàng hậu. Cả kinh thành đều sợ công chúa.

Khi Ngọc Thố thổi bay ả đi, giả làm công chúa, thì công chúa mới lại rất hiếu thảo với cha mẹ, đối đãi rất tốt với mọi người xung quanh. Cô chỉ thù Tố Nga. Cô không có ân oán gì với những người này cả.

Sự hiếu thảo của Ngọc Thố, đã cho công chúa Bạt La hiểu được các lỗi lầm của mình. Bạt La tự xấu hổ với sự ra đời và hiện diện của mình. Cũng như nàng biết được các việc của Tố Nga và mục đích xuống trần.

Công chúa Bạt La ra quyết định quyên sinh, như là lời tạ tội với Ngọc Thố, cũng như để nhường lại cái chức vị công chúa cho Ngọc Thố, thay mình chăm sóc cha mẹ.

Sự thay đổi và ăn năn của Bạt La, cũng là của Tố Nga, đã khiến Ngọc Thố rung động. Như người giận dữ, được đối phương ăn năn xin lỗi, cái giận cũng nguôi ngoai và thậm chí còn ăn năn theo khi mình lỡ giận quá mà làm phương hại đối phương.

Cộng với, thân thể tính mạng sắp mất chỉ vì ý muốn ngông cuồng ăn thịt Đường Tăng nhất thời của mình. Mà có chắc ăn xong thì được gì và này nọ không.

Rồi lại thấy, cả vua và hoàng hậu, dù biết Ngọc Thố là giả, họ vẫn rất thương yêu và van xin nàng mạnh khỏe, ở lại với họ. Cái tình nghĩa đó, góp phần xoa dịu mối sân hận như lửa đốt trong lòng nàng bao lâu.

Bằng hành động tha thứ và dùng chút hơi thở còn sót lại, nàng bay lên cứu lấy Tố Nga – Bạt La. Nàng đã tự giải phóng mình khỏi trói buộc của hận thù. Và cũng là giúp nàng vượt qua kiếp nạn sinh tử.

4. BÀI HỌC BỒ TÁT ĐỂ LẠI

Hằng Nga quan sát, và đã xuất hiện đúng lúc để cứu lấy tính mạng Ngọc Thố, đưa lại về Nguyệt cung.

Khi về lại trời, Ngọc Thố mới biết, Hằng Nga giam nàng 18 ngày, là vì muốn giúp nàng vượt kiếp nạn bằng cách ở 1 nơi an toàn.

Nhưng kiếp nạn, chính là hạt giống hận thù còn ẩn giấu trong tâm hồn nàng. Chưa nhổ được, thì nàng chưa thể thăng tiến tu tập và thành chánh quả.

Hạt giống đó được tưới tẩm bằng Tố Nga, bằng nghi kỵ, bằng vu oan, bằng giam cầm… để phát triển lớn lên thành cây sân hận.

Cái cây đó đã lớn.

Nếu Ngọc Thố an toàn 18 ngày bước ra, thì sẽ không còn là Ngọc Thố vô tư hồn nhiên nữa.

Bồ Tát biết nhân, biết quả. Người cho Ngọc Thố trốn ngục, để có thể đi theo sự lớn mạnh của cái cây oán giận mà hành xử.

Để Ngọc Thố tự rung động bằng chính các hạt giống yêu thương có sẵn trong mình, mà hóa giải hận thù.

Khi tự mình nhổ bỏ được 1 hạt giống tiêu cực, các hạt giống tiêu cực khác sẽ tự được nhổ bỏ theo, dù có đủ nguồn lực tưới tẩm cho lớn mạnh nữa hay không.

Bằng cách chọn đối diện với chính mình, Ngọc Thố đã vượt qua kiếp nạn và học được bài học cho chính mình.

Nếu ở trong ngục 18 ngày, Ngọc Thố cũng sẽ phải đối diện với kiếp nạn vào 1 thời gian khác mà thôi.

Nếu không có môi trường tưới tẩm, hạt giống đó mãi mãi ngủ vùi trong tâm và không bị nhổ đi. 1 ngày nào đó, nó lại tìm cơ hội nảy mầm và lớn mạnh. Tâm luôn còn đó những hạt giống “xấu”.


Viết một bình luận