Con tri ân Ôn Thích Nhất Hạnh, người đã dùng hết tình yêu thương từ bi và trí tuệ thông hiểu đạo lý Tỉnh thức của Bụt mà viết nên Đường Xưa Mây Trắng. Để người hậu thế như chúng con hiểu được cái lẽ chơn thật giản đơn nơi đạo Tỉnh Thức cũng như cuộc đời và nhịp sống hàng ngày của Đức Tỉnh Thức – Đức Phật Như Lai.
Qua các câu chuyện xâu chuỗi, chúng con thấy được hạnh tu tập và tâm trí thảnh thơi của Bụt, để cùng soi chiếu lại sự tu tập của bản thân, noi theo đó mà phát triển trí tuệ tỉnh thức của bản thân.
Hạnh của Bụt
Đọc Đường xưa mây trắng trong thời gian Tp. HCM giãn cách, phòng khám nơi tôi làm việc đóng cửa theo chủ trương cách ly chung, tôi mới thật sự có thời gian thiền định và quán chiếu lại sự tu tập của mình một cách sát sao hơn.
Trong thời gian này, dù thời gian ở nhà là 24 giờ, việc đi làm thường nhật ngắt quãng, công việc ở nhà cũng ít ỏi. Thế nhưng, ngoài tĩnh thì trong động.
Nhàn cư vi bất thiện, tôi cứ ngồi nghĩ ngợi về thời thế, về công việc, về dự án. Lại thêm đọc nhiều sách hơn, kiến thức nhiều thì vọng tưởng suy tư nhiều.
Tâm trí tôi cũng không yên tĩnh là mấy.
Thời gian ngồi thiền thì nhiều, mà suy nghĩ xuất hiện cũng nhiều.
Sự nôn nóng muốn làm cái này, muốn xong cái kia cứ chực chờ hối thúc, như châm lửa vào mông.
Nhưng khi đọc đến những câu chuyện, những đoạn văn mô tả thái độ của Bụt trước các dự án của mình. Đó là sự lặp lại những từ “chậm rãi”, “bình thản”, “nhẹ nhàng”, “dịu dàng”… như áng mây lững thững trôi theo chiều gió.
Bụt là vậy. Mỗi ngày, hàng ngàn tín đồ trông chờ vào Người. Hàng vạn bá tánh tìm cách tiếp cận lấy Người. Cả các quốc vương và chính sự, cũng có liên đới đến các lời giáo huấn của Người. Nhưng Người vẫn ung dung điềm tĩnh.
Cứ như đang bước từng bước chân trên con đường thiền hành.
Và tôi, học được sự điềm tĩnh.
Mấy trăm trang sách Đường xưa mây trắng, không hề xuất hiện dòng chữ Việc hôm nay chớ để ngày mai hay các cụm từ như Bụt giục, Bụt hối…
Bụt lại hay dạy, không có việc gì từ không thành có. Cũng không có việc gì từ có thành không.
Tất cả là nhân duyên hội tụ, đủ duyên thì thành, đủ nắng hoa sẽ nở.
Nhìn hạt bồ đề, ta thấy cây bồ đề đã hiện diện. Nhìn cây bồ đề, ta thấy hạt bồ đề còn đó.
Đức của Bụt
Cái đức lớn nhất tôi được đánh động khi đọc Đường xưa mây trắng, là cái sự từ bi của Bụt.
Khi giáo đoàn có sự mâu thuẫn cãi vả, Người không trách cứ 1 ai. Dù rằng, có vị tỳ kheo đã lên tiếng bảo Bụt im lặng. Một sự thất kính dễ thấy nhưng Bụt không trách cứ.
Người lẳng lặng đi du hành xứ khác, và nhìn xem chúng tăng các nơi khác, họ sinh sống như thế nào, giải quyết các mâu thuẫn thường nhật ra sao.
Sau nhiều tháng nhìn thấy, học thấy cách các vị sa môn nơi khác, Bụt mới thảo luận với các đại đức như Sariputta … và hình thành nên các quy tắc sám hối và minh bạch để cải thiện tình hình.
Khi có người cố tình vu oan cho Bụt, người cũng mỉm cười và thương xót cho sự lầm lỡ của họ.
Khi thuộc hạ của vua A Xà Thế sai người đến hạ sát Bụt, Bụt vẫn thương cảm cho kẻ sát thủ, và còn chỉ hắn con đường thoát thân, cứu mẹ già và đi ẩn trốn ở vương quốc kề cận để bảo toàn tính mạng 2 mẹ con.
Khi Devadatta ném đá khiến Bụt bị thương, Bụt cũng chỉ kêu các vị khất sĩ mau tìm y sĩ Jivaka đến, và không truy quét bắt người đã làm hại mình.
Đến bữa thọ trai cuối cùng, bị ngộ độc bởi món nấm chiên đàn, Bụt còn dặn Anan phải tuyên truyền cho tất cả mọi người, về phước báu của người đầu tiên và người cuối cùng cúng dường của Bụt.
Bụt tránh cho Cunda – người cúng dường món nấm, sự nhạy cảm tủi hổ khi vô tình góp phần vào sự nhập diệt của Bụt.
Sự đơn giản của đạo Tỉnh thức
Đến khi đọc sách Đường xưa mây trắng này, tôi mới hiểu được từ Phật và Đạo Phật – Phật có nghĩa là Tỉnh thức.
Đạo Phật, khác với các môn phái khác, là ở sự Tỉnh thức, thấy được chân tướng sự thật và quy luật tự nhiên.
Đó không phải là những điều huyền diệu màu nhiệm mà các giáo lý khác thêu dệt lên, để người ta mơ mộng và hy vọng vào 1 điều gì đó xa xôi, xa rời thực tiễn.
Khi quyết tâm tìm kiếm sự thật, người ta phải can đảm tiếp xúc với các lớp áo mỹ miều, lạc thú, khổ đau, ghê nhớp… bao bộc bên ngoài để lột trần xuống. Sự thật mới hiển bày như nó đang là, sáng lạng và rõ ràng.
Và Phật – danh từ có nghĩa “Người đã Tỉnh thức” – chỉ cho ta con đường nhìn thấy sự thật đó, thông qua Giới – Định – Tuệ.
1 trong những việc làm đơn giản nhất, là quán sát hơi thở và đặt chánh niệm vào từng hành động việc làm.
Ôi, quá đơn giản là thế.
Vậy mà, dù là thiền sinh đã nhiều năm, tôi vẫn cứ hay quên.
Sách còn tập hợp các bài kinh giảng giải về Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ, Thất Bồ Đề… nhiều bài kinh xuất phát theo từng sự kiện lớn trong cuộc đời hoằng hóa của Bụt.
Tuy nhiên, dù có thể chưa hiểu được giáo lý màu nhiệm sau những bài kinh đó, tôi luôn thấy 1 sự diễn giải rõ ràng và rất chân thực, từ các chất liệu cuộc sống xung quanh ta.
Không có gì là cao siêu hay màu nhiệm.
Những cái Phật đang giảng dạy, dù đã hơn 2500 trôi qua, mà tôi vẫn còn ngụp lặn chưa xong được bước đầu tiên.
Cái Phật dạy, như nắm lá trên tay, so với lá ở cả khu rừng. Còn cái chúng ta đang thực hành, cũng chỉ như 1 chiếc lá mà thôi.
Vậy thì, hấp tấp tìm hiểu thêm muôn vàn giáo lý màu nhiệm xa xôi ở nơi khác làm gì nhỉ?
Quay về hơi thở và quán sát thân tâm. Chánh niệm.
2 bình luận về “Đường xưa mây trắng – 3 điều học được”