Nợ đời hay Bài học?

Đôi khi, chỉ thay đổi định nghĩa 1 sự việc, có thể khiến ta chợt Thức tỉnh và An lạc. Tâm thái đối diện với các Oan trái, nghịch cảnh cũng tương tự vậy. Khi gặp 1 nghịch cảnh, 2 quan niệm Nợ đời và Bài học sẽ khác nhau nhiều lắm, và dẫn tới 2 cuộc sống tương lai hoàn toàn khác nhau cho chính bạn.

Đời là bể khổ và đầy oan trái, có phải không vậy? Sao người ta nói cuộc đời đẹp lắm mà.

Oan trái cuộc đời có ý nghĩa gì không?

Chắc chắn là… đầy ý nghĩa. Nghĩa tích cực hay tiêu cực, phụ thuộc vào cách nhìn nhận, định nghĩa của mỗi người về từng nỗi Oan trái mình đang gánh chịu.

Những “oan trái” “oan gia” trong cuộc đời, thường được người trong cuộc biểu hiện ở 2 trang thái: Chống Đối hoặc Chấp nhận.

Chống đối

Người ta nghĩ đó là sự bất công, là sự kỳ cục, sai trái của kẻ kia, và luôn lên tiếng “làm cho ra ngô ra khoai”. Nhưng rồi ngô khoai vẫn cứ lẫn lộn không tách rời được.

Sự chống đối được áp dụng cho các mối quan hệ “không dài lâu”, ví dụ như 1 người bạn, 1 người đồng nghiệp, hay 1 người bà con không “dính líu lợi ích” nào đó.

Chấp nhận

Sau 1 thời gian chống đối mệt mỏi và không thể chiến thắng được, người ta đành buông xuôi chấp nhận. Đó là những mối quan hệ “không thể tránh né” như chồng/ vợ, con cái, anh chị em ruột, sếp ở công ty v.v…

Để “biện hộ” cho sự chấp nhận này 1 cái áo Hiểu Đạo, người ta sẽ dùng từ Nợ đời, nợ thì phải trả. Như 1 món nợ vay từ kiếp trước, giờ è cổ ra trả cho … mau hết nợ.

Khổ nỗi, khi trả “nợ đời” ở tâm thế “Trời ơi tui chán lắm, nhưng nợ đời mà, phải ráng căn răng mà nhịn mà trả”, thì… cái nợ đó cứ chình ình, trả hoài không hết đâu các bạn ạ.

Vì sao vậy?

Có 1 câu nói như vầy, khi 1 người xin thượng đế ban cho anh ta đức tính kiên nhẫn, thượng đế không cho ngay đức tính đó, mà tạo hoàn cảnh để người ấy Rèn tính kiên nhẫn.

Nôm na, gọi là bài học.

Sự khác nhau giữa khái niệm Nợ đời và Bài học

Oan gia oan trái hay nghịch cảnh là 1 dạng bài học để con người ta tu tập tâm tính cho tốt lên, có được nhiều đức tính quý báu của thánh hiền.

Bản chất của việc 1 người muốn thành Phật/ Chúa/ Thần Thánh, muốn noi gương Phật, Chúa, Thần Thánh, Thượng Đế, thì là rèn luyện các đức hạnh của Phật/ Chúa/ Thần Thánh/ Thượng đế nơi con người mình.

Khi người ta đặt mình ở khía cạnh Trả nợ, tâm lý họ vẫn cho mình là đúng, người kia là sai. Bất bình vẫn còn hoài trong lòng. Chỉ là… không có cách để Chiến thắng nên đành cam chịu.

Chữ Cam chịu kèm theo nỗi ấm ức và 1 cái tâm khốn khổ trong vô minh. Chính những suy nghĩ, tâm trạng không thức tỉnh đó là nhân tạo ra tiếp những oan trái oan gia khác, chứ không phải là việc nợ nần ai cả.

Minh họa theo kiểu vay ngân hàng. 1 người thiếu tiền nên vay ngân hàng 1 món tiền. Có tiền rồi, họ tiêu xài, kiếm được tiền mới, lại tiêu xài, trả lãi cho ngân hàng theo lịch. Nhưng rồi lại thích mua sắm quá khả năng, họ lại vay tiếp. Cứ vậy, tiền vay có trả nhưng không giảm. Nợ dài hạn.

Nợ đời cũng vậy, không sửa từ tâm thì nợ đó trả hoài không hết.

Sự tích cực của tư duy Bài học cuộc đời

Khi xoay chuyển sang góc nhìn Bài học, họ sẽ tự kỷ ám thị, nhìn bản thân và cố đặt ra hàng đống câu hỏi, để hiểu xem Lý do vì sao tôi lại ở trong oan trái này.

Có hỏi sẽ có câu trả lời. Các câu hỏi sẽ dần giúp ta hiểu được cái tính khí nào của chính mình gây ra những sự việc này, bài học nào cho mình để tự hoàn thiện bản thân hơn.

Lúc này, tâm trạng cởi mở đón nhận các oan trái, cảm thông và cảm ơn “oan gia” đã đến, đã tạo cơ hội cho ta được học bài học. Và sẽ tha thứ vì đó là bài học cho ta, không phải người kia là người sai trái.

Nhìn vào sự việc, không nhìn vào con người.

Giải thêm thêm chỗ này, vì sao lại là Oan gia là người không sai trái. Cùng thử phân tích câu chuyện bên dưới:

Giả sử bạn đi ra đường và bị trộm mất tiền. Nếu bạn thích các trò bói toán, có thể tự giả định, quẻ số bạn ngày đó là Sẽ mất 1 khoản tiền.

Thế thì đơn giản lắm, vũ trụ sẽ tạo ra 1 số tình huống cho bạn mất tiền. Có thể là 1 người bán hàng cố tính tính sai, có thể là 1 tên trộm đi ngang lừa đảo, cũng có thể là 1 người quen hỏi mượn rồi… im luôn.

Tên trộm lừa đảo có thể khiến ta bực vài ngày rồi thôi.

Người bán hàng sai khiến ta bực vài tháng rồi thôi, ta không ghé mua nữa, cái bực dần cũng hết.

Người quen thì ta bực vài năm, và mất luôn mối quan hệ thân quen.

Còn nếu là chồng/vợ biển thủ, thì bực cả đời, ghim gút trong lòng, mối quan hệ sứt mẻ và “chịu đựng”

Cùng 1 sự việc là mất 1 số tiền, vậy thì tại sao tâm ta phải phân biệt Người nào làm ra, và cứ Dày vò bản thân khác nhau như vậy?

Khi quy đồng vào sự việc, ok chỉ là mất 1 số tiền, người thân người quen hay người xa lạ đều như nhau. Bài học từ việc mất số tiền này là gì? Mình làm gì để tiếp tục an vui và tránh mất mát về sau?

Nhẹ đầu hẳn ra, và ta lại khôn lớn từ bài học “mất tiền”.

Viết một bình luận