Ăn gì cho khỏe mạnh, xinh đẹp là câu hỏi bất tận và câu trả lời cũng muôn hình vạn trạng. Tùy theo người trả lời thuộc trường phái ăn uống gì, họ sẽ thuyết phục bạn tin theo cách của họ.
Sự đối nghịch của các trường phái ăn uống
Có những trường phái, rất là đối nghịch nhau. Ví dụ, thực dưỡng Osawa đề cao nấu chín, ăn ít trái cây rau củ. Ngược lại, raw vegan (ăn thô), lại khuyến khích ăn tươi sống và càng nhiều trái cây càng tốt.
Trong các cách ăn kiêng giảm cân cũng vậy. Chế độ Low carb khuyến nghị cắt tinh bột, tăng đạm. Thực dưỡng lại phản đối thu nạp nhiều đạm, và yêu cầu 1 lượng tinh bột nhất định.
Mỗi trường phái đều đem lại hiệu quả tích cực cho người theo đuổi. Tại sao đi theo những chiều hướng ngược nhau lại đều tốt đẹp hết vậy?
Còn gì ẩn chứa phía sau những trường phái ăn uống này?
Nhà Khiêm Thiền xin dựa vào những trải nghiệm của bản thân, sau khi đã thử qua vài trường phái ăn uống, và gợi ý 1 câu trả lời theo góc nhìn: Cách ăn. Hy vọng câu trả lời này phù hợp với đa số người, ở nhiều trường phái ăn uống khác nhau.
Bạn ăn gì không quan trọng (có gì để ăn đã là hạnh phúc). Ăn như thế nào để 1 miếng thức ăn đều đem đến mạnh khỏe an lạc cho bản thân, là điều quý giá hơn.
Và câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi Ăn gì để khỏe, xin thưa, đó là Ăn Bình yên và Chánh niệm
ĂN BÌNH YÊN VÀ CHÁNH NIỆM
Ăn mặn có là tối ưu dinh dưỡng?
Ăn chay có thiếu chất?
Ăn thực dưỡng có bị ốm còi?
Ăn rau quả nhiều có bị âm?
...
Ăn gì cho khỏe?
Nhân sinh ai mà biết rõ
Có gì ăn nấy
Sở đắc vô cầu
Tri túc biết đủ
Thức ăn cho tâm quan trọng hơn.
Chánh niệm trong từng miếng ăn
Tâm bình an thì sức khỏe tự tốt.
Ăn bình yên
Theo mình đang quan niệm, ăn bình yên sẽ có thể được hiểu ở 2 hoàn cảnh sau:
Một, là ăn những thức ăn đem đến sự bình yên cho mình. Đó có thể là thức ăn thuần túy đi qua hệ tiêu hóa (thức ăn cho thân), thức ăn vật chất đi qua các hệ giác quan khác (như không khí…, cũng là dạng thức ăn cho thân), hay là các thức ăn cho tâm trí (như sách báo….). Những món phù hợp cơ địa, thông tin khai mở trí tuệ… sẽ là những thức ăn gia tăng sự bình yên cho tâm, vì vậy có thể gọi đây là cách Ăn bình yên.
Còn những thức đem lại tâm giận hờn, tâm nóng nảy, tâm trì trệ, tâm bức bách… do thân bệnh hay do tâm mất quân bình… thì không ăn.
Hai, là ăn phải những thức ăn không đem lại sự bình yên, nhưng đã lỡ ăn thì sao? Thì tâm đón nhận, quan sát, chấp nhận và hiểu được sự vô thường của mọi cảm giác, vì thế tâm có cảm thọ không bình yên, nhưng tâm vẫn bình yên. Đó cũng là một trạng thái của Ăn bình yên.
Hình bên trái, mình tìm được khi search cụm từ Ăn Bình Yên.
Đứa trẻ ăn trong hồn nhiên thích thú miếng bảnh nhỏ – món quà bánh từ tình yêu thương của người bà.
Nụ cười hạnh phúc của 2 bà cháu – liều thuốc tiên trong bất cứ miếng ăn nào, phải không các bạn?
Không lo sợ ta đang ăn món gì, nó có bao nhiêu chất dinh dưỡng, ăn gì cho khỏe… nữa, tâm luôn bình yên trước mọi sự, thì dù 1 miếng cơm qua ngày còn xơ tinh bột, cọng rau héo rũ cả tuần không còn nhiều vitamin, ta vẫn hấp thu được chút ít ỏi chất dinh dưỡng còn sót lại.
Năng lượng nuôi dưỡng vẫn có trong mỗi miếng ăn, dù ít hay nhiều.
Tâm bình yên đón nhận và khuếch đại năng lượng đó lên, hòa nhịp vời dòng năng lượng bình yên mạnh mẽ của tâm trí. Tích tiểu thành đại là vậy.
Ăn chánh niệm
Ăn chánh niệm, theo như nhiều trường phái ăn uống chia sẻ, tiêu biểu có Thực dưỡng Osawa, Raw vegan (ăn thực vật thô tươi sống), các trường phái Detox bằng nước ép rau củ, đều chú trọng đến việc ăn chánh niệm.
Khi bạn đã thực sự toàn tâm toàn ý đặt vào món ăn trước mặt và vào từng động tác nhai, nuốt… thì bạn không cần phải lăn tăn với câu hỏi Ăn gì cho khỏe nữa.
Theo đó, trước khi ăn, chúng ta nhìn đồ ăn thật trân quý, đầy lòng biết ơn. Có thể cầu nguyện hay nói lời cảm tạ, lời chia sẻ công đức đến chúng sinh khác. Sau đó là ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ, tâm trí đặt hoàn toàn vào từng hành động ăn này. Cố gắng không vừa ăn vừa xem phim nghe nhạc, hay làm việc, hạn chế nói chuyện.
Ăn thức uống, uống thức ăn
Osawa
Ăn thức uống
Tức là dù đó là trà, nước, sinh tố… dạng lỏng, chúng ta cũng ngậm, cho vị giác nhận rõ các vị trong món uống, nhai vài lần cho nước bọt tiết ra, giúp tiêu hóa được 1 phần tinh bột ngay tại miệng (*).
Sau đó mới nuốt từng ngụm nhỏ khoan thai, vừa tránh sặc, vừa giúp điều tiết lượng chất lỏng vào bao tử, không quá nhiều 1 lúc gây “sốc”.
Việc này giúp cho chúng ta chỉ tiêu thụ 1 lượng vừa phải chất lỏng, không làm nặng nề hệ tiêu hóa trong thời gian quá ngắn.
(*): Lý giải cho phần tiêu hóa tinh bột bằng nước bọt ở trên, đó là có quan niệm, hệ tiêu hóa kéo dài từ miệng cho đến hết ruột già.
Theo đó, mỗi phần sẽ tiết ra những chất tiêu hóa cho 1 nhóm chất dinh dưỡng khác nhau có trong đồ ăn.
Tinh bột cần tiêu hóa với enzyme trong nước bọt. Nếu ăn quá vội các món nhiều tinh bột mà không nhai kỹ, thì tinh bột này sẽ khó tiêu hóa tốt ở dạ dày. Chi tiết xin xem thêm kiến thức về cách hệ tiêu hóa làm việc.
Uống thức ăn
Thức ăn đặc thì chúng ta càng phải nhai kỹ hơn, hòa với nước bọt cho thành chất lỏng rồi mới nuốt vào.
Lý thuyết diễn giải tương tự như phần Ăn thức uống ở trên, khi thức ăn đặc nghiền kỹ hòa với nước bọt thành nước.
Lời Kết
Quan niệm của mình về các triết lý ăn uống: mình chưa đi theo sát 1 triết lý nào, vì vậy mình đăng bài này với hy vọng mọi người, trong hoàn cảnh nào đó, hay trong giây phút nào đó, lỡ ăn phải món ăn không tốt cho thân, thì hãy thiền định và chấp nhận, giữ tâm bình yên.
Cái tâm trân quý thức ăn trước mặt. Cái tâm cảm tạ sự hy sinh mạng sống của miếng thức ăn, nuôi dưỡng cho chính mình. Dù ít dù nhiều, cũng là một sự nuôi dưỡng.
Cám ơn các bạn đã đọc và xin ghi nhận thêm nhiều chia sẻ của các bạn về phương pháp Ăn bình yên của các bạn.
Mời đọc thêm bài chia sẻ về thành phần dinh dưỡng cho 1 bữa ăn chay lành mạnh
4 bình luận về “Ăn gì cho khỏe”