Vì sao chúng ta cần Ăn

Ăn để sống và sống để ăn. Con người, con vật và cả cây cối đều ăn mỗi ngày để duy trì sự sống. Thậm chí, chỉ trừ loài người ra, tất cả sinh vật khác suốt cuộc đời chỉ nhằm cho việc ăn uống và nghỉ ngơi.

Hôm nay Khiêm Thiền xin mở topic bàn luận về các mục đích ăn thường thấy và cách chúng ta ăn theo từng mục đích cụ thể.

Và dĩ nhiên, vẫn theo quan điểm chung của Nhà Khiêm Thiền, là chỉ tập hợp những gì đang có và vài phân tích. Việc chọn lựa theo cách nào, hay hỗn tạp đủ thứ, là tự do ý chí và trong sở thích, khả năng, hoàn cảnh mỗi người.

Tất cả tùy duyên. Điều gì trước mặt ta đó là pháp dành cho ta vậy.

Ăn để sống

Ăn để nuôi dưỡng và duy trì sự sống này. Đây là 1 khái niệm khá rộng. Vì tùy theo mỗi người, người ta lại có yêu cầu điều kiện khác nhau cho các chữ “Sống” đó.

1 số người đã trải qua nhiều trường phái ăn uống và có sự trải nghiệm, học hỏi đa dạng từ xưa tới nay, khái quát chung 2 mục đích chính của “ăn để sống” là Nuôi dưỡng và Tái tạo.

Nuôi dưỡng và Tái tạo

Nuôi dưỡng: là việc ăn nhằm cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cho các hoạt động thường ngày của cơ thể.

Tái tạo: là việc ăn nhằm cung cấp các chất liệu và năng lượng cho sự tái tạo mới tế bào.

Phân tích 2 nhu cầu nuôi dưỡng và tái tạo ở trên, có thể thấy, ăn để cung cấp Năng lượng và Chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Mỗi thức ăn ta ăn vào đều đem đến năng lượng và chất dinh dưỡng, ở 2 trạng thái nữa. Đó là Cái cơ thể cần và cái cơ thể không cần.

Cái nào cơ thể cần thì cơ thể hấp thụ, cái nào không cần thì nó tìm cách thải ra.

Nói tới đây, lại phát sinh thêm vấn đề, khả năng hấp thụ và khả năng đào thải.

Đúng là trớ trêu, cơ thể cần đó, nhưng hấp thụ được hay không. Cơ thể không cần đó, nhưng có đào thải ra được hay không.

Hấp thu và Đào thải

Hấp thu:

Những dạng năng lượng cơ thể có thể hấp thu: là năng lượng sống. Các thức ăn mang năng lượng “chết” thì khả năng cơ thể hấp thụ rất kém, hoặc thậm chí không tạo ra năng lượng.

Những dạng Chất dinh dưỡng cơ thể có thể hấp thu: là những chất dinh dưỡng có cấu tạo ở hình thức tương tự với chất liệu của cơ thể.

Nếu gặp các nhóm chất có cấu tạo “xa lạ”, cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng để hấp thu. Vậy phải tiêu thụ kèm với 1 lượng năng lượng “sống” dồi dào đi kèm.

Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là 2 chất cơ bản giúp cơ thể tái tạo tế bào

Các nguồn thức ăn có năng lượng “sống” và có khả năng cung cấp được chất liệu phù hợp cho sự tái tạo tế bào, là các nguồn thức ăn gần với thiên nhiên nhất, ít qua chế biến nhất, ăn khi nó còn sự sống nhiều nhất.

  • Thực vật tươi sống
  • Thịt động vật tươi sống – các thú ăn thịt đều ăn như thế
  • Các thức ăn vừa nấu, với các cách chế biến đơn giản, nhanh chóng

Các nhóm thức ăn được nhân tạo từ phòng thí nghiệm và các nhà máy, không bắt nguồn từ thiên nhiên thì khả năng hấp thụ và có tồn tại năng lượng “sống” rất kém.

Đào thải:

Hệ thống đào thải của cơ thể không có chỉ mỗi hệ tiêu hóa, mà còn hệ bài tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và cả hệ thần kinh. Cả cơ thể đều tham gia vào.

Nhiều bộ phận, nhưng khả năng quá tải cứ thường xuyên xảy ra. Trước khi xem xét có đào thải 1 nhúm thức ăn nào hay không, bộ tiêu hóa và nhiều bộ phận khác tìm cách dùng năng lượng để hấp thu, chuyển hóa.

Hệ tiêu hóa động vật ăn thịt và ăn cỏ khác nhau, quyết định sự hấp thu và đào thải khác nhau
Hệ tiêu hóa động vật ăn thịt và ăn cỏ khác nhau, quyết định sự hấp thu và đào thải khác nhau

Các chất được phân ra, phân mảnh từ thức ăn ban đầu cứ đi qua hết bộ phận này tới bộ phận kia, theo sự phân chia phức tạp của cơ thể, rồi qua các bộ lọc, kiểu như 1 đại đội xét nghiệm dùng công cụ thẩm tra, cho qua hay giữ lại, đá qua bộ phận khác.

Cứ như vậy, chất nào bị đá qua đá lại hoài mà không bộ phận nào tiêu thụ, thì thành ra chất thải, và đợi tống ra ngoài.

Cùng với sự Ăn ngày càng nhiều của con người, các công việc này gia tăng số lượng nhanh chóng, và hệ quả, càng ăn nhiều, con người càng … mau thấy đói. Vì thiếu năng lượng. Mà cơ thể thì ngày càng phì nhiêu.

Hãy thử tưởng tượng việc ăn cứ như bạn mua 1 xe tải đồ thanh lý vậy. Nếu may mắn bạn mua được 1 xe bán tải toàn đồ xài được, thì đống phế thải bạn bỏ ra khá ít, và bạn chỉ cần chở xe rùa 2 bận là đổ đi hết.

Còn nếu bạn mua nhầm 1 xe tải to, mà toàn đồ hư hao, phế thải nhiều. Bạn phải tốn nhiều thời gian ngồi chọn lựa xem xét, rồi lại tốn thêm thời gian đổ bỏ không biết bao nhiêu thứ nữa.

Bởi vậy, nên tôi khá dị ứng với mấy lời khuyên kiểu như, hãy ăn nhiều vô cho có chất. Ăn không được nhiều thì chia nhỏ các bữa ăn ra, ăn hoài luôn miệng.

Sao người ta không trực diện mục đích, khuyên nên tìm ăn cái gì đang thiếu thôi cho gọn nhẹ nhỉ?

Hệ tiêu hóa có liên quan mật thiết đến hệ miễn dịch của cơ thể
Hệ tiêu hóa có liên quan mật thiết đến hệ miễn dịch của cơ thể

Và cũng nên khuyên nhau, cơ thể mà hấp thu kém là do các hệ đào thải bị quá tải rồi, nên dành thời gian dọn dẹp cho sạch sẽ đi trước đã.

Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm.

Phân chia tỉ mỉ hơn của việc Ăn để sống, xin được đưa ra 4 mục đích nhỏ như bên dưới

Ăn để có sức làm việc

Đây là lý do mà chúng ta phải ăn mỗi ngày, 1 ngày vài bữa. Tùy theo nhu cầu sử dụng năng lượng nhiều hay ít mà chúng ta cần cung cấp thức ăn giàu năng lượng hay ít.

Các lý thuyết calo trong thực phẩm là bằng chứng cho việc cân bằng năng lượng trong ăn uống này. Nhưng cũng hơi tiếc khi các lý thuyết này chỉ dừng ở việc Mập Ốm và dư thừa, thiếu hụt calo. Hoặc là, nó cũng chỉ có giá trị nhiêu đó mà thôi.

Dù vậy, áp theo lý thuyết calo, người mập cũng hơi khó xuống ký, và người ốm ăn hoài ăn hoài vẫn ốm nhom.

Bạn có nghĩ ăn nhiều như vậy là tốt không?

Người lao động nghèo và vận động cơ bắp nhiều, cần nhiều thức ăn giàu năng lượng. Ngược lại, người làm văn phòng, vận động trí óc nhiều, cũng cần năng lượng nhiều lắm.

Chỉ có người ít vận động, ít suy tư thì cần ít năng lượng và ăn không nhiều.

Nhóm thức ăn giàu năng lượng là các nhóm tinh bột, đường, chất béo.

Câu hỏi: Tại sao người ta cứ khuyên ăn thịt cá nhiều để “có sức làm việc” nhỉ?

Ăn để tận hưởng

Đây là thú vui trần đời. Bao nhiêu tinh túy ẩm thực Đông Tây dọn ra trước mắt và thưởng thức cái màu sắc, hương vị… tràn ngập 5 giác quan. Còn gì thú vị bằng.

Đây là đặc sản mà chỉ loài người mới có. Có tri thức, có giác quan, và có thể nấu nướng ra biết bao nhiêu cao lương mỹ vị.

Không có gì để phê phán nghệ thuật nấu nướng cả.

Và 1 chén cơm nguội với ít nước mắm cũng là cao lương mỹ vị khi không có gì để ăn.

Nên, được bữa cơm ngon thì cảm tạ Trời Phật. Được bữa rau cháo đơn sơ, thì hòa mình với đầu bếp Thiên Nhiên và tận hưởng vị ngon ngọt thuần túy của thức ăn trước mắt.

Người sành ăn là người thấy cái ngon của món ăn ở bất kỳ hình thức nào, có phải vậy không các bạn?

Ăn để hết bệnh

Thức ăn cũng là thuốc. Nhà Khiêm Thiền tin là, ở bất kỳ quốc gia nào, cha mẹ tổ tiên đều có rất nhiều kinh nghiệm ăn uống trong từng căn bệnh cụ thể.

Và không chỉ lúc bệnh, các danh sách món ăn đem lợi lạc cho sức khỏe, phòng và chữa bệnh cũng rất nhiều.

Nhà Khiêm Thiền đang chia sẻ vài quyển sách dạy nấu nướng để trị bệnh, để dưỡng sinh tại Quầy sách cũ, mời bạn ghé xem

Ăn để khỏe

Ăn để khỏe ở đây, Khiêm Thiền xin nói đến chủ đề Ăn dưỡng sinh. Ăn kết hợp nhiều mục đích: vừa nuôi dưỡng, vừa tái tạo, vừa phòng bệnh, vừa trị bệnh.

2 nguyên tắc chính trong ăn uống để khỏe: Mùa nào thức đó, đất nào rau đó.

Ý nói, mùa màng thời tiết tạo ra cây cối phù hợp với sức khỏe của con người ở mùa đó. Người sinh sống ở vùng địa lý nào, thì cũng thuận ăn uống theo sản vật ở vùng đó.

Việc ăn rau quả trái mùa, hay nhập từ các vùng xa xôi, là không thuận với lẽ tự nhiên vận hành của cơ thể.

Ăn uống theo dưỡng sinh Ohsawa

Cách chế biến các món ăn bằng nấu chín, kết hợp các nguyên liệu và gia vị theo nguyên tắc cân bằng âm dương. 2 lợi ích lớn của trường phái dưỡng sinh này là:

  • Các gia vị đều được làm thủ công, không dùng hóa chất nhân tạo, và duy trì các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất… của thực phẩm. Dù bạn không nấu ăn theo Ohsawa, việc trang bị 1 tủ gia vị mua từ các cửa hàng thực dưỡng cũng giúp bạn có 1 cơ thể mạnh khỏe tốt hơn rất nhiều.
  • Các cách kết hợp gia vị và nguyên liệu nấu ăn theo nguyên tắc âm dương: thực tế đều được học hỏi từ các món ăn truyền thống, nên không quá xa lạ với chúng ta. 1 chút lưu ý là chúng ta có thể chế biến rất dễ.

Các bạn có thể tìm đọc sách Nghệ thuật nấu ăn vui khỏe để vừa có các món ăn ngon miệng vừa dưỡng sinh, cân bằng âm dương nhé.

Ăn raw vegan

Là các trường phái ăn rau quả tươi, không nấu chín. Có thể là ăn thô, xay sinh tố hoặc ép lấy nước.

Cách ăn này hơi khó áp dụng triệt để với hầu hết mỗi người. Nhưng lợi lạc thì không thể bàn cãi. Rau quả tươi cung cấp nguồn dinh dưỡng và năng lượng tuyệt vời cho cơ thể sống của chúng ta.

Đối với những người quan tâm việc tiến bộ tinh thần, 1 tâm trí định tĩnh sáng suốt, thì ăn rau củ quả tươi đem lại những khác biệt to lớn.

Tháp thực phẩm theo chế độ Raw Vegan từ dưới lên trên: Rau xanh lá, Trái cây và rau củ khác, Đậu và giá đỗ, Hạt các loại, Thảo dược, Dầu thực vật ép lạnh

Để áp dụng cách ăn này, chúng ta có thể bắt đầu bằng tỉ lệ nhỏ và tăng dần. Giảm dần các gia vị, tăng dần mức độ Đơn giản hóa trong việc ăn.

Các bạn có thể đọc thêm các tài liệu như Tự chữa lành của Markus, Ăn xanh để khỏe, bộ sách Tự chữa lành của Noman Walker.

Có 1 bạn là bác sĩ Lê Thu Hân, cô bị ung thư và chữa lành theo trường phái Raw Vegan. Cô tập hợp các bản ebook sách Tự chữa lành của Markus khá hay.

Ăn tạp

Đây là trường phái ăn lộn xộn giữa đồ sống và đồ chín, giữa rau củ trái cây và các nhóm ngũ cốc, thịt trứng, tinh bột…. theo khả năng và sở thích.

Chú trọng vào các nguồn thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, giảm dần hóa chất, chế biến công nghiệp và gia vị nhân tạo để giảm cặn bã đào thải cho cơ thể.

ăn gì cho khỏe

Chúc các bạn luôn có những bữa ăn ngon miệng và lành mạnh, giàu năng lượng sống và tái tạo cơ thể.

Mời bạn đọc thêm bài Ăn gì để khỏe của nhà Khiêm Thiền – cách ăn cho bất kỳ trường phái ăn uống nào.


Bài viết được cung cấp từ trải nghiệm và tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Nếu thấy hữu ích, mời bạn chia sẻ theo các kênh bên dưới bài viết.

Chúng tôi cũng rất vui khi nhận được các đóng góp, bổ sung và cảm nghĩ của bạn ở phần bình luận. Hãy viết vài dòng cho chúng tôi nhé. Phản hồi của các bạn là động lực cho chúng tôi tiếp tục chia sẻ.

Yêu thương tất cả.


Cách nuôi dưỡng thuận tự nhiên – Kích hoạt Tự chữa lành

  1. Ăn gì cho khỏe
  2. 2 cách biến ánh nắng mặt trời thành dược liệu chữa lành
  3. Tắm đúng cách

Viết một bình luận