Hội Bàn đào và cái chuyện ăn

Hội Bàn Đào, nghe tên là muốn có 1 vé tham dự ngay.

Rồi nghe tới các món cao lương mỹ vị như Đào tiên trường sinh, tiên đơn bất tử, hảo tửu thiên đình… không thèm cũng lạ.

Thần tiên trên trời cũng quan trọng chuyện ăn uống quá chứ.

Thần Tiên và cái chuyện Ăn

Hội Bàn Đào với các món quý và gắn liền với các chức năng trường sinh… cho thần tiên, ủa mà thần tiên trường sinh rồi mà cũng cần phải ăn sao?

À, đọc vài tài liệu thì giải thích chuyện ăn của cõi Thiên Giới như sau:

Tiên cũng có tuổi thọ, tính bằng trăm năm ngàn năm. Tiên nào tu tập tốt, công đức tốt, có chức vị thì được ăn Đào xịn, Tiên đơn quý, để tăng tuổi thọ làm tiên hơn.

Còn tiểu tiên, không chịu tu tập, không hoàn thành các nghĩa vụ thiên đình giao để lập công đức, thì không được thưởng tiên đơn tiên dược tiên “trái cây”, sẽ mau hết thọ mà đầu thai cõi trần.

Món ăn trường sinh trên trời có Đào tiên, Tiên đơn, Thiên tửu…

Cái chuyện ăn ngon, ăn đồ “xịn” tẩm bổ cho cái thân, cái thọ… từ trên cõi tiên xuống cõi trần, hèn chi người trần cũng thích sưu tầm của ngon vật lạ.

Của càng lạ, càng hiếm, càng… nhiều hiệu quả càng được săn lùng.Rồi người ta tranh giành nhau miếng ăn, cũng là … có nguyên do.

tiên đơn thiên giới

Vì sao Tôn Ngộ Không đại náo Hội Bàn Đào?

Không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà cụ Ngô Thừa Ân tạo nên cái sự kiện náo loạn hội bàn đào, không phải chỉ vì Tôn Ngộ Không là khỉ và thích ăn đào.

Thời điểm TNK ở thiên đình, cũng như 1 con khỉ mới tuổi vị thành niên, có võ nghệ nhưng chưa có sự hiểu đời. Tâm tính hành xử như 1 đứa trẻ tự cao vào cái tài của mình.

Ở trần gian, đánh vài đường quyền, xuống Long cung thị uy, xuống địa phủ quậy banh… thì tự mãn đắc chí, nên tham thêm cái danh vọng ở thiên đình cho có với người ta.

Chứ hắn có biết cuộc sống thiên đình ra sao đâu.

Thượng đế, và nhất là của Thái Bạch Kim Tinh, muốn tạo cơ hội cho TNK theo nếp tiên đạo mà tu tâm, nên bày kế nhân nhượng, ban cho chức quan, ban đầu là Bạch Mã Ôn, sau là Tề Thiên Đại Thánh, cho hắn hả dạ “1 cái danh”

Nhưng rồi, TNK thấy mình sao rảnh rỗi quá, suốt ngày trên tiên giới chỉ ăn rồi rong chơi, mà mấy vị tiên kia không ai rảnh chơi chung, ai cũng bận bịu.

Hắn dần hiểu, cái danh vô thực mà hắn đang có.

tề thiên đại thánh đại náo hội bàn đào

Hắn bực bội, hắn tự ái, hắn tìm cách phá đám cho Thượng đế biết tay. Nhân cơ hội Thượng đế giao hắn trông quản vườn đào, hắn ăn cho bõ tức, ăn cho bằng hết.

Rồi Hội Bàn Đào ai cũng được mời, hắn thì không. Tại sao vậy? Tại sao và tại sao?

Bao nhiêu tự ái, nhu cầu muốn được công nhận, được coi trọng nổi lên.

Nhưng hắn cũng chỉ là đứa trẻ không được dạy dỗ lễ nghi, đạo đức cho đủ. Hắn lại tiếp tục phá cho đã cái nư.

Ta không ăn được thì phá cho hôi. Cho Thượng đế phải biết tay và coi trọng lão Tôn.

Chắc cũng chỉ vì cái tính ăn chơi bốc đồng này, chưa phải là cái ác, nên Phật Tổ không ra tay hủy diệt Ngộ Không mà cho cơ hội đi thỉnh kinh để rèn giũa dạy dỗ.

Tháp nhu cầu Maslow

Nói tới đây, ngẫm lại cái lý thuyết tháp nhu cầu Maslow. Thực ra, con người có thân và tâm. Ăn uống là nhu cầu cơ bản của thân.

tháp nhu cầu maslow

Nhưng không có nghĩa, phải đầy đủ thì nhu cầu cho tâm mới bắt đầu lên tiếng.

Người ở đời có câu, đói cho sạch, rách cho thơm.

Dù không đủ miếng ăn, nhưng danh tiếng (nhu cầu được tôn trọng) phải được đáp ứng.

1 đứa trẻ mà bị quát mắng trước bữa ăn, nó có tâm lý không ăn để phản kháng, dù có thể đang rất đói.

Bên cạnh nhu cầu được tôn trọng, thì còn nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ v.v… nữa

Đồ ăn đầy nhà mà lủi thủi căn phòng 4 bức tường cũng stress

Của cải đầy ắp mà công việc bận bịu suốt từ sáng tới tối, không được nghỉ ngơi thư giãn, cũng stress

Lắm khi, làm nhiều quá, lo âu nhiều quá, ăn không nổi, cũng mau …”die”

Lại còn nghe nói, có những vị tu yogi ở Ấn Độ, tâm trí họ quân bình và luôn thấy đầy đủ, hay là như thế nào đó mà chúng ta không biết tới, không thể mô tả tới, không thể nghĩ tới… mà họ không cần ăn, chỉ cần hít không khí mà sống.

Đối với họ, tháp nhu cầu Maslow… hình như không có ý nghĩa gì cả.


Viết một bình luận