Đức Phật từng nói, không có cái gì từ không thành có, cũng không có cái gì từ có biến thành không. Bệnh tật cũng vậy, không tự nhiên từ trên trời rơi xuống cơ thể làm ta bị bệnh.
Bệnh tật là biểu hiện của sự tích lũy các nguyên nhân gây bệnh trong 1 thời gian dài mà ra.
Khi chúng ta thấy mình bị bệnh, tức là các mầm mống và tình trạng bệnh đã đủ số lượng khiến chúng ta nhận ra. Có nghĩa là, trước trước đó, 1 thời gian dài trước đó, bệnh tật đã xuất hiện, nhưng số lượng ít, chúng ta chưa phát hiện.
Mục lục
- Mục lục
- Nguyên nhân gây bệnh và tác nhân gây bệnh
- Các Nguyên nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh
- Mối liên hệ giữa Nguyên nhân và Tác nhân gây ra bệnh tật
Nguyên nhân gây bệnh và tác nhân gây bệnh
Thông thường, mọi người hay hiểu, virus, vi khuẩn, bụi… là các nguyên nhân gây bệnh. Xin được đính chính 1 chút về từ ngữ. Các thể loại đó gọi là Tác nhân gây bệnh.
Tác nhân gây bệnh, tức là 1 tác nhân cụ thể từ bên trong hay bên ngoài, do điều kiện môi trường thuận lợi mà nảy nở sinh sôi, làm ra bệnh tật.
Cái môi trường điều kiện thuận lợi đó, mới có thể được xếp vào danh mục Nguyên nhân gây bệnh. Mà xét kỹ hơn, cũng chỉ được vào nhóm Tác nhân gây bệnh sơ cấp mà thôi.
Còn nguyên nhân gây bệnh, là cái thủ phạm ở sau màn sân khấu, biên kịch nên cái môi trường thuận lợi cho các tác nhân gá gẫm vào và sinh sôi lên.
Nguyên nhân là cái nguồn lực ban đầu tạo nên cái “mảnh đất” cho mầm mống bệnh tật gieo mầm sinh sôi.
Nhiều tài liệu đề cập đến sự mất cân bằng trong cơ thể như là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Xét cho cùng, như vậy cũng chưa là rốt ráo.
Vì đâu có sự mất cân bằng?
Dựa theo phân tích ngữ nghĩa bên trên, thì sự mất cân bằng của cơ thể là tác nhân sơ cấp, là môi trường thuận lợi, để các mầm mống gây bệnh như virus, vi khuẩn… gá vào và sinh sôi.
Nguyên nhân gây bệnh là cái nguyên nhân ẩn nấp phía sau, làm ra sự mất cân bằng của cơ thể, thì…là do chính ta tạo nên mà thôi.
- Đất nước gió lửa trời đất thiên địa luôn cân bằng. Chỉ có con người sinh hoạt mất cân xứng các yếu tố, tạo nên cái trọng cái khinh.
- Ngày đêm âm dương tuần hoàn, chỉ có con người nghịch luật dương âm tạo nên mất cân bằng
- Thực phẩm nuôi dưỡng từ thiên nhiên đủ các chất, mùi, vị… chỉ có con người thèm món này khinh món kia, chế biến gia cố nhiều chất nhân tạo… mà tạo ra sự mất cân bằng.
- Trời đất bao dung, có thưởng có phạt, chỉ có con người tham đắm tạo nghiệp, phước thì trễ nãi, dẫn tới nghiệp quả luân hồi lôi kéo, sinh bệnh tật oái ăm khó trị.
Các Nguyên nhân gây bệnh
Ở phần dưới đây, vì sự hiểu biết các lý thuyết chưa tường tận và trình độ hạn chế của người viết, nên thông tin còn sơ sài. Để thấu hiểu tường tận, xin mời đọc giả đọc thêm các tài liệu bên ngoài.
Mất cân bằng âm dương
Vô cực sinh âm dương Âm dương sinh tứ tượng Tứ tượng sinh bát quái
Có thể nói, âm dương là căn bản sự đối nghịch và tương hỗ ở mức đơn giản nhất, chỉ gồm 2 đối tượng, và từ đó hình thành nên sự sống.
Trong tự nhiên, Mặt Trời đại diện cho Dương, Mặt Trăng đại diện cho Âm.
Mở rộng ra, có sự phân chia âm dương, hoặc nhìn nhận yếu tố âm và dương trong từng vật, từng trường hợp cụ thể theo 2 khái niệm cơ bản Mặt trời – Dương và Mặt trăng – Âm này.
Đông y cổ truyền cũng lấy âm dương làm gốc.
Trường phái dưỡng sinh theo nguyên lý âm dương, nổi bật nhất là của tiên sinh Ohsawa – sách Âm dương và Nguyên lý vô song – Anh Minh, Ngô Thành Nhân, Ngô Ánh Tuyết dịch.
Mất cân bằng tứ đại và ngũ hành
Đông y cổ truyền rất chú trọng đến sự vận hành tứ đại và ngũ hành trong cơ thể. Theo đó, cơ thể như 1 vũ trụ thu nhỏ, có vận hành theo quy luật ngũ hành, tương ứng với ngũ hành bên ngoài là tự nhiên.
Thuận thì sinh, nghịch thì bệnh và hoại.
Tứ đại: đất nước gió lửa. 2 yếu tố lửa – hỏa và gió – khí là 2 khái niệm rất hay được Đông y dùng để diễn giải các căn bệnh. Ví dụ, Đông y có khái niệm Hư hỏa, hay âm hư hỏa vượng, khí suy…
Đất, nước, gió, lửa, không là 5 yếu tố ngũ hành theo triết lý Phật giáo Nhật Bản.
Nishi Katsuzo là 1 tác giả người Nhật giới thiệu các phương cách chữa bệnh dựa trên tứ đại.
Các yogi Ấn Độ cũng có nhiều thói quen sinh hoạt theo triết lý tứ đại. Nổi tiếng nhất là các phương pháp Hít thở, tiếp đến có Tắm nắng, nhìn mặt trời, cách dùng nước để thanh lọc, tiếp xúc đất – earthing…
Ngũ hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Trong cơ thể, các tạng phủ tương ứng với 1 yếu tố ngũ hành và sự liên thông tương tác của các tạng phủ với nhau cũng tương ứng với tương sinh và tương khắc của ngũ hành.
Ngũ hành cơ thể còn nằm trong sự liên đới tương sinh và tương khắc với Ngũ hành của môi trường sống.
Hoàng đế nội kinh tố vấn là tài liệu mà nhà Khiêm Thiền đã đọc 1 phần nhỏ, nhận thấy sự diễn giải rất chi tiết, đi từ tổng quát đến cụ thể nhất sự thống nhất của cơ chế vận hành âm dương – ngũ hành trong cơ thể, trong sự hài hòa với thời tiết, âm dương – ngũ hành của tự nhiên và cũng như những chứng bệnh tật khi có sự xung khắc, trái nghịch xảy ra.
Mất cân bằng axit – kiềm
Đây là 1 góc nhìn khác của vấn đề âm dương trong cơ thể, theo triết lý khoa học vật chất của Tây phương.
Đại diện cho thuyết dưỡng sinh dựa trên axit – kiềm, có thể kể đến bác sĩ Hiromi Shinya – sách Nhân tố Enzyme.
Mất cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi
Phần này, mời các bạn tự quán chiếu lại đời sống sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi của mình và tự có câu trả lời.
Mất cân bằng tâm lý
Tâm làm chủ các pháp. Tâm không bình thì thân có bệnh. Y thư Đông – Tây đều công nhận, tâm chiếm tỉ lệ rất lớn, hơn 50%, trong việc hình thành hay phục hồi các bệnh.
Ở mục tìm hiểu về tâm lý và bệnh này, nhà Khiêm Thiền xin đề cử các sách của ngài Osho. Tuy ngài không chia sẻ các khía cạnh đơn thuần về y học và thần kinh, nhưng Osho cho chúng ta thấy những sự lệch lạc trong tâm lý con người.
Ngoài ra, một trường hợp chữa bệnh bằng tâm lý khá nổi tiếng ở châu Âu là ngài Bruno Groning. Các bạn có thể xem phim tư liệu về Bruno Groning.
Nghiệp quả
Bên cạnh sự mất cân bằng của cơ thể dẫn đến bệnh tật, thì nghiệp quả đóng vai trò, theo chúng tôi, là to lớn hơn cả.
Nghiệp quả và Duyên là các yếu tố vận hành, tạo nên 1 sự kiện mà con người phải trải qua. Bệnh hay không, bệnh nặng hay không, hoàn toàn cũng chịu sự chi phối của nghiệp quả.
Đức năng thắng số. Người biết tạo phước, tu tập đức hạnh, bệnh nặng cũng mau nhẹ, bệnh nhẹ mau hết như không có.
Trường năng lượng
Trường năng lượng là nền tảng thứ 3 để người ta lý giải vì sao 1 người bị bệnh.
Lý thuyết về trường năng lượng và các thí nghiệm đo mức độ trường năng lượng cho ra con số cụ thể, thì hiện chỉ biết tới David R.Hawkins, cha đẻ sách Power vs Force và bảng thang đo mức độ trường năng lượng như bên dưới:
Mức năng lượng càng thấp, khả năng bị dính vào bệnh tật càng cao.
Con người là tổng thể các trường năng lượng ở nhiều mức độ. Trung bình chung của các năng lượng này sẽ thể hiện ra là 1 người có sức sống mạnh mẽ hay yếu đuối, buồn khổ.
Chắc vì như thế mà những người dù yêu đời lạc quan, cười tươi mỗi ngày, vẫn có thể bị bệnh, vì trong họ vẫn có chút ít trường năng lượng thấp.
Tác nhân gây bệnh
Khi cơ thể mất cân bằng nội tại, như mảnh đất màu mỡ cho các mầm mống gây bệnh sinh sôi.
Mầm mống – tác nhân gây bệnh, đa dạng và biến hóa liên tục.
Bao gồm: vi khuẩn, virus, thời tiết, gió độc, bụi bẩn, chất độc, tổn thương bên ngoài, tổn thương bên trong…
Mầm mống gây bệnh xâm nhập, nếu ít và yếu thì sẽ bị hệ miễn dịch và các cơ chế tự chữa lành của cơ thể đẩy lùi.
Ví dụ như khi ta bị dao cứa đứt tay, vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm trùng. Vết thương nông và nhỏ, chỉ cần rửa sạch và cứ để vậy vài hôm cũng tự khỏi.
Còn khi bệnh nặng quá, sẽ sinh nhiều triệu chứng. Như vết thương ở trên mà rộng, sâu quá, vi khuẩn nhiễm nhiều, máu chảy nhiều. Gây ra thiếu máu, ra viêm loét, ra đau đớn.
Rồi có thể còn tiếp diễn, vi khuẩn theo máu làm nhiễm khuẩn các bộ phận khác. Rồi bộ phận bị bệnh, chức năng hoạt động giảm, sinh ra sự mất cân bằng nội tại khác nữa, gây ra bệnh khác và hàng loạt triệu chứng bệnh khác nữa.
Mối liên hệ giữa Nguyên nhân và Tác nhân gây ra bệnh tật
3 hình bên dưới diễn tả mối quan hệ giữa Nguyên nhân và Tác nhân gây bệnh theo các góc nhìn khác nhau.
Ở góc nhìn chung, nguyên nhân và tác nhân và kết quả là 1 chuỗi vận hành liên tục theo kiểu vòng tròn. Kết quả cũng có thể là nguyên nhân.
Ví dụ, 1 liệu pháp điều trị có lợi và có hại đi kèm. Cái hại đi kèm đó, hay gọi là tác dụng phụ, lại vô tình tạo ra bệnh mới.
Hoặc, khi sử dụng 1 liệu pháp điều trị hay và hiệu quả cao, đồng nghĩa Phước đã được sử dụng 1 phần, và thêm nghiệp mà mang nợ với món vật thực làm thuốc hay công lao tác chữa trị. Tạo nên nghiệp.
Hoặc, liệu pháp điều trị là sự tu dưỡng tâm thân, cùng với đức hạnh nâng lên, tạo thêm phước lành.
Từ 1 nghiệp ban đầu, cùng với 1 thói quen nhỏ, tích lũy qua thời gian, tạo ra 1 sự mất cân bằng nội tại nhỏ. Mầm mống gây bệnh có dịp tăng trưởng, tạo ra bệnh và 1 số triệu chứng nhỏ.
Khi đó, áp dụng 1 liệu pháp điều trị, liệu pháp này có cả mặt lợi và hại, nên trên hình, chúng tôi diễn tả bằng thanh đứng có 2 rìa là khía lồi lõm, chỉ sự không hoàn hảo.
Như phân tích ở hình trên, liệu pháp điều trị lại tạo ra thêm nghiệp hoặc phước, hoặc cả 2.
Cứ thể, xoay vòng, số lượng nghiệp phước tăng, sự xáo trộn hay cân bằng nội tại phát sinh ở nhiều phương diện hơn, và số lượng cơ hội cho bệnh tật sinh sôi nhiều hơn.
Cứ thế, bệnh nhỏ thành ra bệnh to. 1 bệnh thành ra 1 chuỗi bệnh.
Để hình tượng hóa hơn và liên đới đến bài viết kế tiếp, về Các liệu pháp chữa bệnh theo từng các phân đoạn phát triển bệnh của nhiều trường phái chữa bệnh mà chúng tôi biết, xin dùng hình 1 cội cây.
Nghiêp phước và Tập khí (Thói quen) nhiều như bộ rễ thì triệu chứng bệnh cũng nhiều như cành nhánh lá chi chít.
Cành lá chi chít hấp thụ thêm sinh lực trời đất, là duyên là hành, lại làm bộ rễ sinh sôi nảy nở, ngày càng rậm rạp thêm.
Kiếp nhân sinh không ai thoát khỏi bàn tay bệnh tật
Mời bạn xem tiếp bài Các liệu pháp chữa bệnh.
Bài viết sâu sắc & kiến thức đa chiều làm tỏa về nhiều mặt sức khỏe . Biết ơn chị.