LŨY TRE CỦA BẠN TO BAO NHIÊU?

Cây tre là hình tượng làng xã của làng quê Việt Nam, là hình tượng cái gốc, cái hồn của người Việt Nam. Hình tượng cây đa là 1 dạng thay thế. Lũy tre đầu làng, hay gốc đa đầu làng.

lũy tre nguồn cội

Ngồi nhìn lại hình tượng làng mạc và biểu tượng lũy tre, hay gốc đa, có thể thấy người xưa đã dùng hình ảnh thật mô tả sự đoàn kết, gốc rễ cho 1 bản làng. Cả 2 hình tượng đều có đặc điểm chung là bộ gốc rễ rất lớn, cắm sâu vào lòng đất, và phát triển um tùm bên trên. Không dễ gì bứng được gốc cây đa, cũng không dễ gì đào cho được hết rễ tre và làm 1 lũy tre tiệt giống (trừ các loại phân thuốc hóa học và bê tông hóa mạnh mẽ như bây giờ).

Vì sao cần có bản làng?

Con người, mỗi gia đình vốn cũng đơn lẻ và đơn độc lắm. Quy tụ thành 1 bản làng, đúng chất văn hóa bầy đàn cấu tạo nên sự sống con người. Ở đó, người ta thấy được sự nương tựa, thấy được sự đoàn kết, thấy được sự giúp đỡ, trao hơi ấm tình người cho nhau. Dẫu rằng hàng ngày, tiếng khua môi giận hờn nhau giữa 2 nhà hàng xóm là không thiếu, nhưng tối lửa tắt đèn, cần gì hú 1 tiếng là thấy được sự hiện diện của tình làng nghĩa xóm.

Rồi mỗi thế hệ trẻ lớn lên, đi khắp phương xa lập nghiệp, họ cũng còn 1 nơi mà gốc rễ họ thuộc về, linh hồn họ thuộc về. Để ngày lễ, Tết, giỗ chạp, con cháu quây quần, cho thấy mình còn cái gốc, cái nguồn mà nương tựa, mà tìm về.

Đó không chỉ đơn thuần là sự hiện diện nhất thời, vài chén rượu làm vui lòng và nói lên những từ ngữ như “Tổ tiên” “Nguồn cội”, mà nó chính xác là những gì chảy trong tim, trong máu thịt mỗi người. Cái cảm giác gốc rễ tổ tiên nguồn cội đó, không đâu thay thế được.

Tha phương lập nghiệp

Lại nói về từ tha phương lập nghiệp. Đất thị thành ngày càng dung chứa nhiều người rời bản rời làng đến làm ăn sinh sống. Nhịp sống hiện đại khiến người ta chỉ lao ra công sở, kết bạn kết bè xã giao, rồi chiều tối quây quần bên mâm cơm gia đình nếu người nào đã thành gia lập thất. Còn không thì họ lại lao ra đường, ở các quán ăn quán uống, lại xã giao chén chú chén anh, rồi ai về nhà nấy, như người ta nhổ 1 cây cải khỏi nơi nó vừa bám tí rễ vào vậy.

Mọi thứ là tất cả tuổi trẻ, thanh xuân của bao lớp người, nhưng cũng chỉ là nơi tạm bợ. Để Tết đến Xuân về, họ lại rồng rắn kéo nhau về quê hương, về nơi mà cái rễ tinh thần họ thực sự len lỏi bám vào, trụ vào, hình thành bộ rễ giòng tộc tổ tiên sâu dày khó quật ngã đào xới lên được.

Tại sao người ta không thể bám rễ ở nơi mà người ta sống mỗi ngày, kiếm cơm áo, xây dựng gia đình mỗi ngày?

Câu hỏi này, tôi thấy hơi cay đắng khi phải hỏi ra và cố tìm mọi lý lẽ sống mình gom nhặt được để trả lời. Không biết các bạn thì sao, có thấy cuộc sống mình luôn chông chênh, tạm bợ ở nơi thành thị nhiều cơ hội và nhiều thăng tiến này không?

Những bộ tộc tha phương du mục trên các thảo nguyên rộng lớn, khi 1 nhóm nhỏ tách đoàn, ra đi phương trời khác, thì nhóm đó, họ phải đủ mạnh và thành lập thành 1 nhóm bộ lạc mới, không thì họ sẽ bị bắt làm nô lệ cho 1 bộ lạc khác.

Tha phương, là lập nên 1 đế chế mới, vững mạnh cho chính mình. Hoặc là diệt vong. Chỉ có 2 kịch bản xảy ra mà thôi.

Những Hội đồng hương

Tầm hai chục năm trước, người quê lên Sài Gòn lập nghiệp, họ ở trong những dãy nhà trọ có nhiều người đồng hương. Tình làng nghĩa xóm được rinh nguyên 1 mảng từ quê ra phố. Để dù xa quê, người quê vẫn luôn có tí gốc rễ lũy tre, cây đa đầu làng mà bám víu vào. Những chú bác thập niên 50, 60 bây giờ vẫn hay tham gia các lễ hội đồng hương tại thành phố lớn. Nơi đó, bên cạnh chén rượu giao lưu, họ thấy được máu mình vẫn chảy về nguồn.

Những lớp lập nghiệp U50, U60 bây giờ họ là ông nội ông ngoại, với 1 đàn con cháu cùng ở thành thị. Có thể nói, nhà nào giữ được truyền thống gia đình, lễ tết nhà họ luôn rộn tiếng cười, và cái lũy tre họ tự xây dựng nên nơi đất khách, trong mấy chục năm, đã hòm hèm to to, đào cũng không còn dễ.

1 cây tre nhỏ, họ kết nối với những cây tre nhỏ khác, và hình thành 1 lũy tre mới, tại vùng đất mới. Đó có thể gọi là sự thành công của từ Tha phương lập nghiệp. Lập gốc rễ vững bền nơi ở mới.

Những thế hệ cô độc

Tuy nhiên, lại có những gia đình trẻ bây giờ, họ bỏ qua các giá trị truyền thống. Người ta thích dọn về những khu phố kín cổng cao tường, nơi hàng xóm không bao giờ thấy mặt. Họ túm tụm mua từng m2 đất trên trời, ở trong các tổ như những tổ chim câu, để rồi mỗi sáng, mỗi con chim bay tứ tung ra nhiều phương hướng, mà chẳng con nào góp thành đàn.

Cái sự túm rụm chật chội trong không gian riêng làm người ta quên hết ngày tháng kết nối hàng xóm láng giềng. Những khung cửa chống cháy khóa từ an ninh đóng luôn sự nghe ngóng hàng xóm tối lửa tắt đèn. Người ta ngại giao tiếp, người ta ngại xen vào đời sống người khác, vì chính họ, họ cũng thích sự riêng tư cho mình.

Người ta sợ giao lưu xã giao như giờ đi làm, họ đã phải đeo mặt nạ. Người ta giành thời gian nghỉ ngơi cho sự cô độc cá nhân. Những cây trẻ nhỏ cứ mãi bơ vơ cô độc, cố gắng len lỏi bám vào những bức tường bê tông cốt thép nhưng rồi chút mưa giông cuộc đời dễ bật gốc hồi nào không hay.

Người trẻ thành thị cứ mãi trong vòng lẩn quẩn của sự cô độc, bấp bênh, luôn thấy thiếu vắng sự an toàn và kết nối. Kết nối vào đâu, bám víu vào đâu? Họ đã quên mất sự kết nối nguồn gốc tổ tiên, sự kết nối bầy đàn giữa người và người.

Lời kết

Sắp sang năm mới, mùa Tết đoàn viên lại về, bài viết này xin được nhắc lại về cái gốc rễ tinh thần, sợi dây vô hình nối kết từng cá nhân thành 1 tổ chức đoàn kết vững mạnh. Tất cả là vô hình, nhưng được tạo ra từ những thứ hữu hình, và chi phối mọi thứ hữu hình hàng ngày trong hơi thở, trong cuộc sống của chúng ta.

Nếu người nào đi theo câu 1 giọt máu đào hơn ao nước lã, thì hãy cố gắng kết nối họ hàng, anh chị em họ, cùng nhau ở trong cùng khu phố, cùng ô chung cư… để thường xuyên thăm hỏi, và bám rễ vào nhau, tự xây dựng 1 lũy tre mới cho chính chúng ta.

Còn người nào đã xa quê, xa họ hàng, và thích câu Bán bà con xa, mua láng giềng gần, thì bạn ơi, mua ngay mua liền đi bạn. Đừngg biến mình thành bụi cải con con với túm rễ cỏn con dễ bật gốc bất cứ khi nào. Hãy dành thời gian giao lưu hàng xóm láng giềng, kết thân và cùng nhau lập hội lập lũy. Trong kinh doanh buôn bán, hãy lập hội lập phường, cùng nhau mà tăng trưởng, dựa vào nhau mà phát triển.

Nói đến đây, lại buồn cho văn hóa kinh doanh đồng hội đồng thuyền của người Việt. Chữ đoàn kết có vẻ là chữ khó nhất mà người Việt có thể làm, phải vậy không?

vườn rừng
luống rau đơn độc

Thôi xin kết bài bằng hình ảnh nông nghiệp. 1 hình ảnh là vườn rừng, cây to cây nhỏ cùng nhau sinh sống, mỗi cây mỗi vẻ, nhưng để nhổ 1 cây rau nhỏ không dễ gì, vì bộ rễ rau nhỏ đan vào bộ rễ cây to. Còn hình ảnh quen thuộc là các luống rau xinh xắn, mỗi cây mỗi ô. Nhìn mướt mát ngăn nắp, nhưng nhổ lên dễ lắm bạn ơi. 1 trận mưa, cả luống rau ngã đổ rất nhanh. Các khu chung cư bây giờ cũng vậy, như những luống rau xinh xắn nhưng đầy tạm bợ đó.

Tạm bợ không phải vì các chung cư, mà vì lòng người thích riêng tư, thích cô độc, và ngại quan tâm nhau, ngại kết nối và bám rễ vào nhau.

Tuệ Khiêm, 7/1/2022

Viết một bình luận