Mình mới đọc xong quyển Đường Xưa Mây Trắng của Ôn Nhất Hạnh. 1 trong những điều hay và đánh động tâm thức của mình là chuyện ăn uống thời Đức Phật tại thế.
Ôn Nhất Hạnh cố ý dành 1 phần nội dung nói về cái chuyện ăn uống, để thấy rằng, các quy tắc mà Bụt đưa ra, là nhằm đến sự an lạc hạnh phúc của người tu.
Giới luật là giúp cho người tu dễ thực hành chánh pháp, không phải là 1 thứ luật lệ như để khẳng định sự uy nghiêm hay thế mạnh của giáo phái.
Quy định ăn trước ngọ
Đây là quy định chung về ăn uống và hiển nhiên áp dụng cho tất cả khất sĩ trong giáo đoàn Phật pháp.
Mỗi ngày, các vị tỳ kheo sẽ đi khất thực từ sáng, đến trưa thì tụ họp lại trong tu viện hoặc rừng, tùy nhóm khất sĩ đang cư trú tại đâu.
Các vị sẽ rửa tay chân, sớt đồ ăn trong bát ra thau/ chậu chung nếu cảm thấy dư đồ ăn. Các thau/ chậu này sẽ được các vị tỳ kheo khất thực được ít hoặc không có thức ăn nhận lãnh và dùng.
Sau khi bát các vị đã sẵn sàng, các vị sẽ ngồi xuống và bắt đầu ăn. Các vị sẽ không được đứng dậy trong lúc chưa ăn xong, kể cả việc đi lấy thêm thức ăn. Chỉ ăn uống gói gọn trong phần thức ăn có trong bát mà thôi.
Ăn trong chánh niệm, quan sát hơi thở, thân tâm và đặt chú tâm hoàn toàn vào việc ăn. Ăn trong động tác nhai chậm rãi, từ tốn, trong tinh thần trân quý thức ăn. Ăn trong sự tỉnh thức và hiện diện đầy đủ vào việc ăn.
4 quy tắc chính
Kết thúc việc ăn trước giờ Ngọ (12h trưa).
Thời gian đi khất thực từ sáng đến trưa, là thời gian các vị khất sĩ tiếp xúc dân chúng, và giảng giải giáo pháp cũng như giúp đỡ người dân về mặt tâm linh.
Mỗi ngày chỉ ăn đúng 1 bữa.
Ăn chỉ 1 bữa, để các vị khất sĩ dành thời gian dài còn lại trong ngày cho việc thiền định, thiền hành, nghe pháp và nghỉ ngơi. Hoàn toàn dành cho việc tu học.
Thức ăn để trong 1 cái bát duy nhất.
Thức ăn do dân chúng cúng dường, không phân biệt là loại thức ăn gì, và không tách riêng các thức ăn theo khẩu vị hay bất cứ quy tắc ẩm thực nào.
Không dự trữ thức ăn.
Thức ăn không dùng hết sẽ được đổ bỏ. Việc không tích trữ vừa triệt tiêu mầm mống của tham lam do việc tích trữ đem lại, vừa bảo vệ sức khỏe cho các vị khất sĩ.
Việc khất thực, nhận lãnh các phần ăn không nằm trong mong muốn và sự thèm muốn của khẩu vị, các vị khất sĩ sẽ dần từ bỏ cái tôi và tham dục trong chuyện ăn uống.
Sách có kể, trong thời gian Bụt an cư ở Vejanra, làng ấy bị mất mùa, khan hiếm lương thực. Dân nghèo quá, không cúng dường được thường xuyên cho Bụt.
Và có hôm, có người cúng dường Bụt ít vốc cám. Thị giả Anan rang cám cho thơm. Bụt và các vị khất sĩ cũng đã ăn vốc cám như thế.
Ăn chay hay ăn mặn
Y sĩ Jivaka là thầy thuốc thân cận của Bụt và giáo đoàn. Y sĩ trình lên Bụt về các lợi lạc của việc ăn chay tịnh. Bụt rất đồng tình về ý nghĩa của ăn chay.
Thế nhưng, Bụt không cấm các vị khất sĩ ăn thịt động vật.
Bụt hiểu rõ, người dân ở Ấn thời bấy giờ, họ cũng không dư dả gì nhiều để có thể nấu 1 ngày nhiều món ăn. Các vị khất sĩ đi khất thực là để gieo duyên Phật Pháp.
Khi đến nhà dân, họ mở lòng cúng dường, họ sẽ lấy những gì vừa nấu xong. Đó có thể là ít cơm chan nước cà ri, hay củ khoai luộc, hay thịt thà.
Sa môn khất sĩ thọ nhận vật thực, như chứng giám phước bố thí của cư sĩ. Vì thế, không được phân biệt là đồ chay hay đồ mặn.
Khất thực là 1 phần quan trọng của sự tu tập Thiểu dục tri túc theo đạo Phật
Tuy nhiên, sa môn khất sĩ sẽ không ăn thức ăn từ động vật nếu nằm trong các lý do có sự tác ý: cư sĩ vì để cúng dường cho sa môn mà đi giết động vật. Và sa môn biết ý định đó, hay nghe thấy, hay nhìn thấy, thì tuyệt nhiên không được ăn.
Quy định ăn dành cho các sa di trẻ tuổi và các tỳ kheo bị bệnh
Có đoạn chuyện kể, năm ấy có nhiều vị tỳ kheo bị sốt rét. Họ mỏi mệt vì bệnh tật, miệng khô đắng, các thức ăn khô như cơm chan cà ri họ không nuốt nổi.
Nhìn cảnh bệnh tật hành hạ, Bụt thương xót, cho phép các tỳ kheo này nhận thức ăn cao cấp, cúng dường riêng từ các cư sĩ, gồm đề hồ, cháo, sữa… cho dễ ăn và giúp mau hồi phục bệnh.
Thế nhưng, bữa chiều, Bụt nghe tiếng quạ kêu rất nhiều. Bụt bước ra xem thì thấy các tỳ kheo mạnh khỏe đang cho quạ ăn các món thức ăn dưỡng bệnh. Nguyên do, là vì quy định không ăn quá Ngọ, mà có vài tỳ kheo bệnh vì mệt quá nên chưa thể ăn đúng giờ.
Bụt lên tiếng cho phép các vị tỳ kheo bệnh được giữ thức ăn và ăn sau Ngọ, khi các vị thấy cần ăn uống.
Lại nói, chuyện cậu bé Rahula vào ở tại tu viện với Bụt, và những năm sau đó, vài trẻ em đến xuất gia nơi Bụt. Các em không quen với việc ăn ngày 1 bữa, đêm tối đói bụng khóc hoài.
Bụt biết chuyện, và cho phép các sa di trẻ tuổi được ăn nhẹ vào buổi chiều.
Thức ăn của người dân thời bấy giờ
Sách không kể nhiều về các nền ẩm thực của các quốc gia thời Bụt tại thế. Tuy nhiên, có vài tư liệu nhắc đến, và đặc biệt ở đoạn Bụt ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề và được thôn nữ Sujata cúng dường vật thực hàng ngày.
Ngày Sujata gặp Bụt ngất xỉu bên dòng sông Uruvela, cũng nhân dịp nàng vâng lệnh mẹ đem mâm thức ăn đến cúng dường các vị tu sĩ trong rừng. Mâm cúng khá thịnh soạn, có đề hồ, sữa, bánh, nước và trái cây.
Bụt được Sujata đút sữa và đề hồ để cứu đói.
Các ngày sau, Sujata chủ yếu đem đến cơm nắm, muối mè, nước, và 1 ít trái cây (thường là quýt).
Chỉ có các ngày cúng lớn, ngày lễ, thì mới có thêm đề hồ và sữa.
Đọc tới đoạn này, mình đều nhớ đến món Gạo lứt muối mè của tiên sinh Osawa và thầy Thích Tuệ Hải.
Còn gia đình của Savasti, chú bé chăn trâu tại làng Uruvela, người cúng dường bó cỏ kosa cho Bụt ngồi tọa thiền, thì chỉ ăn bánh chapati mà thôi (1 loại bánh mì rất đơn giản làm từ bột mì và muối)
Trẻ chăn trâu chỉ được chủ trả công bằng bột mì và muối mỗi ngày.
Các gia đình khá giả như nhà của Sujata (trưởng thôn), thì ăn cơm với cà ri hoặc nước cà ri hàng ngày.
Bụt có bị bệnh vì món ăn không?
Bụt có từng bị bệnh hay không, sách ít đề cập đến. Nhưng y sĩ Jivaka thỉnh thoảng lui tới tu viện đem thuốc dâng cho Bụt và trị bệnh cho Bụt.
Có những năm, Bụt nhập hạ tại núi Thứu, nơi y sĩ Jivaka xây tịnh thất cúng dường Bụt, và vua Bimbisara làm các bậc đá cho Bụt đi từ chân núi lên đỉnh núi. Trong những hạ này, y sĩ thường xuyên đến chăm sóc sức khỏe của Bụt.
Ở tuổi gần tám mươi, Bụt vẫn thường xuyên leo núi Linh Thứu.
Vào ngày Bụt nhập diệt, trưa đó, Bụt dùng món nấm chiên đàn do Cunda thí chủ cúng dường. Đa số Phật tử đều biết, đó là chén nấm độc.
Bụt cũng dặn Cunda, đừng cho ai ăn phần nấm còn lại, mà phải đem chôn sâu dưới đất.
Chiều đó, Bụt đau bụng dữ dội. Bụt nói với thị giả Anan, đây là bữa thọ trai cuối cùng của Bụt.
Và Bụt nhập diệt, với chén nấm chiên đàn là 1 trong các nhân duyên hội tụ về, để việc nhập diệt của Bụt diễn ra.
Kể ra để thấy, thân thể của Bụt không phải thân kim cang như các truyền thuyết hay ca tụng mà con người dễ suy diễn theo nghĩa đen là Không còn bị bệnh.
Cái không vướng vào bệnh tật, không vướng vào sinh tử ở Bụt, là ở cái trí tuệ giác ngộ và buông xả với sinh lão bệnh tử.
Còn cái thân ngũ uẩn của Bụt, vẫn theo quy luật tự nhiên như bao cái thân chúng sinh khác.
Ăn uống có nên là 1 giáo lý không?
Ngày nay, vì nhiều mục đích, có nhiều trường phái ăn uống xuất hiện với rất nhiều quy tắc.
Nếu xem các quy tắc đó như giới luật, ăn uống theo đúng giới luật, kết quả có thể rất tốt đẹp. Đó là, chúng ta có 1 thân thể khỏe mạnh xinh đẹp, và có thể trẻ hóa rất nhiều.
Đi kèm, có thể, có thể thôi, là sự khỏe mạnh về tinh thần.
Nếu trường phái ăn uống của bạn thật sự đem lại sự tốt lành cho cả thân và tâm, thì tuân thủ giới luật đó là điều nên làm.
Tu học theo đạo Phật, cũng có mấy trăm giới luật đó thôi.
Chỉ cần, dù là ăn uống hay phép tu nào, giáo lý đem lại Hạnh phúc sẽ là Chánh pháp cần nương theo mà hành.