3 Cách dùng nước thanh lọc cơ thể – Kỳ 1: Tắm đúng cách

Nước có vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ và cuốn trôi các ô nhiễm, trược khí, chất độc trong cơ thể. Khi ta hiểu được vai trò quan trọng của nước, thành phần chiếm 72% trọng lượng cơ thể, ta sẽ khám phá ra rất nhiều cách sử dụng nước chữa lành đơn giản và hiệu quả, trong đó có việc tắm đúng cách.

Nước là nơi chứa tất cả mọi ký ức

– Phim Frozen

Nước – 1 thành tố trong ngũ hành – quả là huyền bí và chứa đựng nhiều điều diệu kỳ đợi bạn khám phá.

Kỳ 1: Tắm đúng cách

2/3 cơ thể là nước.

Tắm là 1 cách dùng nước bên ngoài làm tinh khiết nước bên trong.

Tắm đúng cách, sao ngộ vậy, trẻ con luôn được bố mẹ dạy cách tắm và hầu như chúng ta, người trưởng thành, ai cũng biết cách tự tắm cho mình rồi mà.

tắm đúng cách

Thế giới thật là rộng lớn và có nhiều việc chúng ta không biết. Hôm nay, nhà Khiêm Thiền xin chia sẻ những quy luật thiên nhiên diệu kỳ ẩn chứa trong việc tắm và những trải nghiệm của bản thân gặt hái được sau khi thực hành các phương pháp tắm đơn giản – nhưng chưa chắc ai cũng biết.

Tác dụng của việc đi tắm

Ai cũng tắm thường xuyên, không 1 lần thì vài lần trong ngày. 1 số trường hợp cá biệt, trong điều kiện khó khăn, có thể vài ngày đến 1 tuần, họ cũng sẽ đi tắm.

Tắm, không phải chỉ giúp loại bỏ lớp da chết và đất bụi bám vào bề mặt da, mà ai cũng hiểu là quá trình kỳ cọ ghét bẩn. Nhưng phần lớn mọi người đều tập trung vào mỗi 1 tác dụng này của việc đi tắm.

Họ tắm vì làn da đẹp. Họ quan tâm sữa tắm, mùi, kỳ cọ bằng bông mướp này hay miếng bọt biển nọ. Mà quên mất việc Nước tắm và cách đưa nước lên cơ thể như thế nào, cũng như tắm đúng cách là như thế nào để đạt mục đích thanh lọc thân tâm.

tắm giải tỏa stress

Bạn đã biết, những cảm xúc mệt mỏi, chán nản… luôn được dịu bớt sau mỗi khi đi tắm.

Bạn cũng đi tắm khi thấy người nóng bức, uể oải. Bạn đi tắm để xoa dịu các trạng thái tâm lý tiêu cực xảy ra trong công việc và cuộc sống.

Những ngày ốm bệnh, khi được tắm, ta thấy cả bầu trời sức khỏe quay về.

Hoặc khi không được tắm, ta như người “tâm thần” giữa thế gian.

Tắm đúng cách, sẽ gia tăng thêm tác dụng của nước trong việc thanh lọc cơ thể hơn thế nữa.

Cơ chế thanh lọc cơ thể của nước trong khi tắm

72% cơ thể chúng ta là nước. Khi chúng ta hòa mình vào dòng nước bên ngoài, nước bên trong và bên ngoài, vô hình, có sự xúc chạm trong tần số rung động năng lượng vi tế. Những sự xúc chạm này, làm thay đổi dòng năng lượng của nước trong cơ thể, và tạo ra 1 số hiệu quả nhất định.

Khi cơ thể mệt mỏi, uể oải, căng thẳng, stress… đồng nghĩa, máu và nước trong cơ thể bị hòa lẫn hàm lượng các chất thải gây stress, mệt mỏi, hoặc chất độc từ các cơ quan thải ra… mà chưa được hệ bài tiết hay tiêu hóa tống ra ngoài.

Có nghĩa, nước và máu trong cơ thể đang chứa chất độc.

Khi chúng ta hòa mình vào dòng nước tinh khiết hơn ở bên ngoài bằng cách tắm hay ngâm, những sự xúc chạm trong rung động năng lượng giữa 2 môi trường nước, cộng hưởng và trung hòa với nhau.

Nước trong cơ thể có xu hướng nhận năng lượng tinh khiết từ nước bên ngoài, và đẩy nhanh quá trình thải độc.

Ở khía cạnh vô hình hơn 1 chút, cơ thể 1 ngày tiếp xúc với rất nhiều nguồn năng lượng hỗn tạp. Khi chúng ta đứng giữa dòng nước, nước thanh lọc các năng lượng này. Nguồn năng lượng tròn vẹn của cơ thể được thanh lọc tinh khiết, chỉ bằng việc tắm đúng cách.

trạng thái tinh thể nước
Hình ảnh tinh thể nước khi được truyền các năng lượng khác nhau, từ tích cực đến tiêu cực.

Những sự diễn giải cho quá trình thanh lọc bằng nước này có thể hơi trừu tượng, hoặc còn nhiều sai sót chưa thật sự chi tiết, mong bạn đọc thông cảm.

Vì tất cả những điều này chỉ đang được các lý thuyết năng lượng giải thích, thông qua trải nghiệm của những vị hiền triết. Khoa học chưa chứng minh được.

Cơ chế có thể như vầy, cũng có thể như khác đi, nhưng có 1 điều chắc chắn, chúng ta ai cũng trải nghiệm được những giây phút sảng khoái tinh thần, những tác dụng kỳ diệu của việc tắm đúng cách.

Ai chắc cũng nhớ câu mẹ hay dặn, vừa về đến nhà thì nên đi tắm.

Những cách tắm thông dụng

Bây giờ, nói về cách tắm, làm sao để gia tăng hiệu quả giải stress và thải độc cho cơ thể.

Bạn có thể nhắm mắt và hồi tưởng về tất cả các kiểu tắm bạn từng trải qua không? Mỗi ngày, có lúc bạn đứng dưới vòi sen và cho nước tuôn từ trên đỉnh đầu xuống hết chân. Có lúc, vì trời lạnh hoặc vì vội vàng, bạn xối nước theo từng ca trong xô chứa và chỉ làm ướt từ vai trở xuống.

Lại có lúc đi hồ bơi, bạn đứng trên bờ hồ và nhảy ùm xuống làn nước.

Khi đứng trước 1 dòng suối, để an toàn hơn, bạn bước từng bước nhẹ nhàng dần xuống suối, đến khi nước ngang hông, rồi ngang ngực, rồi ngang vai. Nếu cảm thấy đáy an toàn, bạn sẽ hồ hởi hơn và ngụp lặn cho nước ướt hết đầu, cho cái mát lạnh sảng khoái lan tràn từ đầu xuống chân, khắp cả cơ thể.

Rồi cũng có lúc, khuya khoắt mệt mỏi, bạn thèm ngâm mình trong bồn nước ấm với các mùi tinh dầu.

Trong các cách trên, những cách nào đã đem lại sự sảng khoái mát lành nhất?

Tôi thích nhất là đứng dưới vòi hoa sen, cho nước phun từ đỉnh đầu xuống chân, dòng nước mát lạnh. Và được trầm mình ngụp lặn dưới con suối từ thác đổ ra. Mát và lành.


Trải nghiệm của bản thân

Để tự tin viết những dòng chia sẻ này, Tuệ Khiêm đã trải nghiệm việc tắm nước lạnh và tắm kiểu Vòi sen từ đầu đến chân trong 1 thời gian.

Tắm nước lạnh sáng sớm giảm chứng viêm mũi dị ứng

Từ lúc tôi còn là học sinh trung học, tôi thường xuyên bị chứng viêm mũi dị ứng hành hạ. Lỗ mũi nghẹt hoặc chảy mũi liên tục cứ thay phiên nhau xuất hiện. Tôi sợ ngồi ngay dưới cánh quạt, vì khiến mình bị nhức đầu, choáng váng.

Tình cờ, tôi đọc được mẹo tắm nước lạnh buổi sáng sẽ giảm tình trạng viêm mũi dị ứng. Tôi thực hành ngay. Trong vài ngày sau đó, tôi cảm nhận được sự thuyên giảm.

Từ đó, tôi duy trì tắm nước lạnh mỗi sáng sớm, trước khi đi học. Và hầu như hiếm khi phải dùng tới viên thuốc ngắt cơn viêm mũi nữa.

Cách thức khá đơn giản, sau khi đánh răng rửa mặt, tôi xối nước ở đôi chân trước, rồi lên 2 tay, rồi xối ào cả người từ vai trở xuống. Lau nhanh cho đỡ bị lạnh.

Có những chuyến du lịch ở Đà Lạt, dù trời lạnh, tôi vẫn duy trì tắm nước lạnh như thế. Tôi tăng được khả năng thích nghi nhiệt độ “lạ” và sự tỉnh táo rõ rệt.

Tuy nhiên, có những hôm người yếu, khí huyết kém, tắm xong tôi hay bị run cầm cập, phải nhanh chóng trùm mền thật kín và xức dầu. Các đầu ngón tay lạnh cóng và se lại, như sắp tím tái.

Thỉnh thoảng, những bữa khuya muộn, tôi tắm nước nóng cho thư giãn và cho an toàn hơn.

Trải nghiệm tắm kiểu Vòi sen

Cách đây vài tháng, khi xem được video hướng dẫn tắm đúng cách của Yogi Sadhguru, tôi bắt đầu đứng trước vòi sen cho nước xối từ đỉnh đầu xuống.

Và từ đó, tôi không còn bị chứng run cầm cập như trước nữa.

Phải kể rõ là tại sao tôi biết không còn. Vì có 1 bữa chiều, tôi lười, tôi chỉ dùng ca xối nước từ vai xuống. Và tôi thấy người run 1 cơn mạnh. Tôi chợt nhớ ra những cơn run ớn lạnh này. Tôi vội dập nước lên đỉnh đầu.

Lạ thay, tôi nghe sự mát lạnh chạy dọc xương sống, và sau đó là sự ấm nóng lan tỏa cũng từ cột sống, lan ra khắp các mao mạch, đầu ngón tay và ngón chân. Tôi thấy người cân bằng nhiệt độ trở lại. Và cơn run cầm cập không tìm đến tôi vào hôm đó nữa.


Cách tắm thanh lọc cơ thể theo lời khuyên từ Sadhguru

Sadhguru là 1 vị yogi khá uyên bác và nổi tiếng trên thế giới, xuất thân từ Ấn Độ. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về ông trên các kênh bên ngoài.

Ông là người sáng lập nên Trung tâm Yoga Isha, 1 trong 8 trung tâm thiền nổi tiếng tại Ấn Độ.

Sadhguru

Với truyền thống yogi, tuân theo các thói quen sinh hoạt thuận tự nhiên, ông có lối sống cực kỳ đơn giản, dựa theo những gì tự nhiên ban tặng. Ông cũng tìm hiểu và lưu giữ nhiều thói quen truyền thống của người Ấn.

Nói về chuyện tắm đúng cách, ông khuyên chúng ta nên tắm theo cách Vòi sen hoặc nhảy ùm xuống sông hồ, suối. Đó là cách tắm giúp thanh lọc cơ thể mỗi ngày.

Cách thức tắm

Ở ngay vốc nước đầu tiên, hãy làm ướt phần đỉnh đầu (mỏ ác).

Tắm vòi sen: đứng dưới vòi sen cho nước tuôn chảy từ đỉnh đầu xuống vai, thân, tay và chân.

Hoặc, dùng cả xô nước xối từ trên đầu xuống.

Các chị phụ nữ không thích gội đầu mỗi lần tắm. Vậy thì, hãy nhớ, trước khi bắt đầu tắm, bạn hãy cho 1 vốc nước dập lên đỉnh đầu, và sau đó tắm từ vai xuống chân như thường lệ. 1 xíu nước ở đỉnh đầu thôi sẽ không làm ướt cả đầu và rất nhanh khô sau đó.

vùng đỉnh đầu

Nhiệt độ nước

Tốt nhất là tắm với nước mát lạnh so với môi trường. Nhiệt độ nước cần trong biên độ 50C so với nhiệt độ không khí.

Nếu được, hãy tập thói quen tắm với nước mát lạnh hơn là nước ấm.

Tại sao? Vì nước mát lạnh làm se bề mặt da và kích thích máu lưu thông, tim đập nhanh hơn cũng như giảm thiểu nước và các vi khuẩn theo lỗ chân lông ngấm vào cơ thể.

Tắm nước lạnh tạo 1 cú sốc nhẹ cho hệ thần kinh, giúp bừng tỉnh các nơ ron và 1 dòng năng lượng tươi mát chảy tràn cơ thể.

nước nóng và nước lạnh với làn da

Nước lạnh giúp bề mặt da se lại, giúp tăng độ đàn hồi và sự trẻ trung của các tế bào.

Nhiều người nói rằng, nước ấm làm da giãn nở nhanh, và khi trở về môi trường tự nhiên, da dễ khô bề mặt (do mất nước nhanh) và nhăn, lão hóa nhanh hơn.

Đối với nước ấm, nhiệt độ ấm áp làm các mao mạch ở bề mặt da trương nở, tạo áp lực đẩy máu ra phía ngoài da, cũng làm máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, do mao mạch rất nhỏ, nhiệt độ ấm hoặc nóng quá sẽ dễ làm vỡ các mao mạch này.

Đồng thời, trong cơ thể “lạnh” hơn ở ngoại vi, đẩy nhanh quá trình tích mỡ để làm ấm nội tạng bên trong.

Tình huống nguy hiểm khi tắm nước nóng ở những nơi thời tiết quá lạnh cũng được ghi nhận. Do sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa phòng tắm và phòng ngoài, người bước ra sau khi tắm dễ bị sốc nhiệt, lạnh run và dễ gây choáng, ngã đột ngột.

Nên, chỉ trừ khi người vừa ốm dậy, cơ thể quá suy yếu chúng ta mới cần tắm nước ấm. Nhiệt độ nước cũng không cao hơn quá 50C so với nhiệt độ phòng.

Mỗi ngày, hãy tập tắm nước lạnh, sẽ tốt cho sức khỏe hơn rất nhiều, nhất là cho sự trẻ hóa làn da.

Thầy Tuệ Hải thì khuyên nên tắm nước âm dương, tức là tắm nước lạnh trước, sau đó nước ấm. Bạn cũng có thể thử nếu bạn rất thích cảm giác ấm áp chảy tràn cơ thể.

Thời Lượng

Không có con số cụ thể cho tất cả mọi người. Khi bạn có tinh thần thoải mái và ít thời gian, tắm trong vài phút là đủ. Còn khi bạn mệt mỏi và muốn dành 1 chút thời gian riêng cho bản thân, bạn có thể đứng dưới vòi hoa sen 5, 10 phút hoặc hơn, đến khi bạn thật sự cảm thấy thoải mái.

Số lần tắm mỗi ngày

Tối thiểu là 2 hoặc hơn. 1 lần tắm vào sáng sớm, sau khi ngủ dậy, giúp làm sạch các mùi cơ thể bốc ra sau 1 đêm cơ thể nghỉ ngơi và đào thải chất độc. 1 lần khi hết ngày làm việc và trở về nhà.

Ngoài ra, bạn có thể tắm thêm vài lần khi cần trong ngày, khi tiếp xúc tay với người lạ… Khi bạn trải qua 1 công việc mệt mỏi. Khi bạn thấy bất an…

Lưu ý quan trọng

Trước khi tắm, phải chắc chắn rằng bạn không khát nước. Nếu khát nước lâu và mới tu liền tù tì 1 2 ly, hãy đợi vài phút cho nước đi qua hết dạ dày, thấm vào các mao mạch… và cân bằng nhiệt độ cơ thể trước.

>> 2 cách biến ánh nắng mặt trời thành dược liệu chữa lành

Video hướng dẫn Tắm đúng Cách từ Sadhguru

Mời bạn theo dõi video các chia sẻ Tắm đúng cách từ Yogi Sadhguru

Cách nuôi dưỡng thuận tự nhiên – Kích hoạt Tự chữa lành

  1. Ăn gì cho khỏe
  2. 2 cách biến ánh nắng mặt trời thành dược liệu chữa lành
  3. Tắm đúng cách

3 bình luận về “3 Cách dùng nước thanh lọc cơ thể – Kỳ 1: Tắm đúng cách”

  1. Em thử tắm theo hướng dẫn của thầy Sadhguru, cảm thấy rất khỏe và tỉnh táo. Tuy nhiên sau khoảng 10 ngày, e cảm thấy 2 bả vai hơi đau, trước đây khi e tắm đêm cũng bị như vậy ạ. Và đầu e thường xuyên thấy lạnh. Em không biết vì sao lại như vậy…
    Khi tắm em dội xô 4l nước từ đỉnh đầu xuống trước, sáng sớm khoảng 5h30 và tối 9h30-10h.
    Em đã bỏ qua điều gì ạ?

    Trả lời
    • Mình nghĩ có thể do bạn tắm đêm. Ngoài ra việc đau bả vai và đầu lạnh là dấu hiệu của nhiễm hàn khí, thời tiết và môi trường tạo ra những hàn khí này và cơ thể cần thích nghi với điều kiện mới.
      Bạn có thể điều chỉnh lại là chỉ dập ít nước lên đầu thôi, và tắm nhanh xem sao nhé. Thường xuyên massage đầu (bằng cách dùng lược răng thưa to tròn hoặc các dụng cụ massage đầu để chải), và kết hợp bấm huyệt trục hàn, trị liệu cổ vai gáy xem sao. Chúc bạn mau khỏe.

      Trả lời

Viết một bình luận