XQ SỬ QUÁN – HẠT BỤI TRÊN TỪNG SỢI CHỈ

Bất cứ khi nào bạn đến XQ Sử Quán Đà Lạt, bạn đều thấy có một bức chân dung người thợ thêu dang dở giữa những rối bời tơ chỉ và sứt mẻ khung vải.

Sự ngổn ngang của nền văn hóa đang dần bụi mốc, của xà ngang định kiến xã hội, của những lớp vải cơm áo gạo tiền càng khiến cho việc nhặt nhạnh từng mảnh chân dung bị trở ngại.

Và càng đi sâu vào căn phòng mù mịt ảm đạm đó, ta càng phát hiện ra nhiều kho báu bị chôn kín, và sự kiên trì trong từng nhịp thở của những con tim ngày đêm mong mỏi gầy dựng hình tượng người thợ thêu như một nghề cao quý của xã hội.

Mục lục

Chiếc vé tham quan khu trưng bày đặc biệt

Một ngày cuối đông đầu xuân, khi những hoa mai anh đào đang khoe sắc thắm, tôi cũng bước chân vào thế giới “hoa không phai tàn” tại XQ Sử quán.

Dự định ban đầu chỉ là ngắm tranh thêu cho đã mắt và đã tầm nhìn về cái tài nghệ thêu bật sự sống động và hồn hoa trong từng sợi chỉ.

Thế nhưng đã có một thứ khác thôi thúc tôi phải bỏ ra 150,000đ tiền vé và nửa ngày để tiếp tục khám phá XQ Sử Quán, bên cạnh vẻ đẹp của những bức tranh, chứa đựng những bí mật phía sau dãy showroom bán hàng.

Có những gì chờ đợi tôi phía sau cọng dây đỏ làm rào soát vé mong manh đó? Những bức tranh hàng tỷ đồng hay là những người thợ đang thêu với nhiều kỹ thuật được thuyết minh bởi cô gái áo dài đang đứng cạnh tôi?

Tất cả dự đoán đều quá ít ỏi so với những gì được trải nghiệm. Cả một kho tàng nghề thêu và những hành trình đi sâu vào tâm hồn của người thợ thêu dần ẩn hiện qua từng bước chân khám phá.

Phải cảnh báo trước, để đáng giá số tiền vé và thời gian bỏ ra, bạn cần căng não, căng mắt và căng cả cơ miệng mà hỏi, mà ngắm, mà suy luận, mà hiểu, mà thấm hết từng chi tiết được sắp đặt và từng câu chuyện sắp được kể, hoặc thậm chí quên được kể.

Tôi đã như người mất hồn, tâm trạng tương tư thơ thẫn đến khi bước đến cọng dây rào đánh dấu điểm cuối của hành trình. Vì những gì được biết và chứng kiến đầy nhân văn và nhiều trăn trở.

Câu chuyện cổ tích về nghề thêu và XQ Sử quán

Một góc các tạng thư và những biểu tượng hóa khác là bộ sưu tập các nguyên liệu hình thành nên con đường và thành công của XQ Sử Quán đến ngày hôm nay.

Những câu chuyện như bước ra từ cổ tích, gắn chặt những con người thừa hành 2 chữ trách nhiệm và trăn trở với sứ mệnh mình nhận lãnh.

Góc trưng bày cho du khách thấy rõ sự nghiêm túc trong việc phát triển nghề thêu và những đạo đức cùng lễ nghi trịnh trọng nhất để vừa xây dựng cái tài, vừa xây dựng cái văn hóa nghề cho tất cả người thợ thêu, từ người mới học nghề cho đến người nghệ nhân.190070531416314576_small

Gia đình người sáng lập XQ Sử Quán và những bộ “tạng kinh” làm nên nghề thêu cao quý hôm nay

Những bức chân dung đẹp nhất

Thật kỳ lạ, mỗi bức chân dung là vẻ đẹp tâm hồn của từng người trong ảnh, được khắc họa rõ nét qua từng đường kim sợi chỉ.

Chỉ có tận mắt chiêm ngưỡng, ta mới thảng thốt òa lên sung sướng khi thấy sự thăng hoa của những đôi tay nghệ nhân thêu và tâm hồn luôn nhìn thấy cái tươi đẹp của họ. Và chỉ có tận mắt chiêm ngưỡng, ta mới biết đó là tác phẩm thêu.

Hình ảnh chụp lại chỉ khiến ta nghĩ đó là sản phẩm của những studio chụp ảnh chân dung tầm cỡ nào đó mà thôi.

Giáo sư Đặng Vũ Khiêu, người bạn hữu đã và đang góp sức phát triển nghề thêu cùng với người sáng lập XQ Sử quán và nhiều bạn hữu khác, đã lặng lòng khi ngắm chính chân dung mình trong bức tranh chỉ và vải, thốt lên câu thơ cảm thán “ta ở trong tranh mới là ta”.1329591423gs_VuKhieu_tranhtheu

Chân dung giáo sư Đặng Vũ Khiêu được thêu tay theo kỹ thuật điêu khắc, với tỉ lệ nguyên bản người thật và 2 mặt trước sau như 1 bức tượng sống

Những Cô gái tương tư tại XQ Sử quán

Phía sau thành công của những bức chân dung đầy sống động, lột tả được những nét đẹp nhất trong sâu thẳm một con người, là một hình ảnh khắc cốt ghi tâm, tưởng tượng mộng mơ từ năm này qua tháng nọ của người thợ thêu.

Cái hình ảnh dần ăn mòn vào tâm thức đó đã tạo nên một thứ tình cảm như người tri kỷ, lại như người tình, nhớ nhớ quên quên và khi rời xa bức tranh thì đau sầu ão não, biếng ăn khó ngủ.

Một bức tranh lớn đã đánh động những hy sinh mất mát của người nghệ nhân cho những bức ảnh để đời. Ngoài kia còn bao nhiêu đánh đổi khác, từ hạnh phúc gia đình, tuổi thanh xuân, và cả sự mặc cảm khi nghề thêu chỉ là may vá của người nội trợ phong kiến, không tên không tuổi.00-Tuongnhonghetheu

Những nghi lễ nghề thêu. Đặc biệt là nghi lễ thay áo sống – áo chết, 2 chiếc áo làm nên hạnh phúc an ủi cho tất cả nữ thợ thêu

Những gửi gắm Trắng và Đen

Bên cạnh vẻ đẹp tâm hồn và thánh thiện của từng thiện bạn hữu toát lên qua các bức chân dung, thì chân dung những người sáng lập lại đầy màu sắc u tối và ý tưởng ngột ngạt.

Một cái đầu “rớt” trong lồng kiếng. Một người tù xích sắt ngóng về phía khung cửa ánh sáng. Hay cái hòm kho báu đầy ổ khóa và thử thách cho người kế vị.

Khó khăn không ở việc tăng giá các bức tranh hay tìm người đủ yêu thích mà đem về nhà. Sự chấp nhận của người chồng, người con, của xã hội dành cho 2 từ “nghệ nhân” của người thợ thêu và một cuộc sống xứng đáng với danh từ cao quý đó, là sự trăn trở cho tất cả những con người nơi đây.

Có nồi cơm nào đủ ăn cho tất cả người thợ thêu đang còn sống?

Có bó nhang nào thắp đủ mộ của những người thợ thêu đã nằm xuống

Và có người nào đủ lòng thành đến thăm từng người?h3_ylwi

Lễ giỗ tổ nghề thêu

Hầm mộ không thi hài – Và những gì là Đà Lạt đã mất

Khu hầm mộ đầy huyền bí này chắc hẳn phải chứa đựng rất nhiều bí mật và tư tưởng tiếc nuối về những gì đã mất của Đà Lạt, từ người dân tộc, nếp sinh hoạt đến những gốc thông và những chuyện tình.

Tôi đoán vậy, vì tôi mải mê với những câu chuyện và hơi chùn chân mỏi gối nên hẹn sẽ khám phá khu hầm mộ này vào duyên gặp gỡ kế tiếp.

Văn hóa và đạo đức, và những gì tự nhiên từ trong nếp nhà tuổi thơ là những chất liệu tạo nên thi vị cho từng bức tranh, và sự trưởng thành cho tất cả mọi người.

Đây là cái nền đất nuôi dưỡng đầy ưu tư và trăn trở của những người sáng lập.

May mắn lớn trong chuyến tham quan này là tôi được trò chuyện với chú Q, một trong những người tiên phong, được biết thêm sắp tới chú sẽ hoàn thành thêm nhiều công trình kỳ dị nữa, tất cả đều nói lên những góc nhìn đầy lạ lẫm của chú với thời cuộc và đương đại. Những trách nhiệm với cuộc sống chú đang được sống.1_66314

Một buổi giao lưu văn hóa Việt Hàn. Và còn nhiều khuôn viên văn hóa Lào, Nhật, Việt, bảo tàng người Đà Lạt xưa… được sưu tầm trưng bày tại XQ Sử quán

Bước ra ngoài không gian triển lãm đầy sâu thẳm tâm tư đó, là suối nước róc rách, hoa lá đón chào, nhạc tấu nhẹ nhàng và những tác phẩm đầy nghệ thuật cho du khách chiêm ngưỡng, mua về.

Những vẻ đẹp đời thường nên thơ đầy hoan lạc. Như một thế giới ta đắm say và quên mất những đánh đổi của một nửa thế giới còn lại vừa bị bỏ rơi phía sau.

Nghề thêu là vậy đó. Sợi chỉ óng ánh, người thợ tài hoa, cẩn thận che khung vải mỗi lần nghỉ ngơi, nhưng đều dính những hạt bụi.

Những hạt bụi lòng cần nhiều tình yêu và năm tháng để phủi sạch.

Viết một bình luận