Tối giản không phải là dè sẻn bấm bụng không chi tiêu, không mua sắm, mà là buông bỏ bớt cái tính Thích mua, Thích tiện nghi, Thích … đủ thứ.
Nguyên lý sâu xa của tối giản là thực tập tâm buông bỏ.
Tối giản thường bắt đầu bằng việc buông bỏ sở thích với các thể loại vật chất, nhất là các vật chất gắn bó thường ngày như quần áo, đồ dùng gia đình v.v… để bắt đầu giảm bớt Tâm ưa thích, tâm dính mắc…
Bài viết hôm nay, mình xin chia sẻ các khía cạnh mình thấy được khi thực hành tối giản đồ đạc, song hành với hành trình Tu tập chữ Buông bỏ.
TỐI GIẢN QUÀ CÁP, VẬT TRANG TRÍ
Dính mắc đến các đồ vật kỷ niệm là dạng dính mắc sâu đậm khó bỏ nhất. Những món quà trang trí, quà lưu niệm… gắn liền với 1 kỷ niệm nào đó… và nhiều quá cũng thành gánh nặng.
Nhất là các đồ vật này mang năng lượng của 1 quá khứ đã cũ, sẽ cản trở sự thay đổi tâm thức và sự tu học của bản thân.
Nhìn, nhớ lại việc đã qua, cười nhẹ cho chuyện đã qua, và cho kỷ niệm theo nụ cười bay theo gió, rồi … buông.
TỐI GIẢN MUA SẮM
Nghiện mua sắm là 1 “căn bệnh trầm kha”. Thông tin hiện đại liên tục lôi kéo chúng ta xem, thấy và phát sinh “nhu cầu” không cần thiết, rồi mua về lỉnh kỉnh.
Chỉ khi dọn nhà, gom những vật dụng xài thường xuyên để riêng, những gì lâu không xài ra riêng, mới thấy rằng, 1 diện tích lớn chỉ để chứa các món… lỡ mua.
1 cách thức giảm việc mua sắm tùy hứng mà mình áp dụng, đó là đợi ít nhất 3 ngày sau mới đi mua, thậm chí là 3 tuần.
Mỗi đồ vật mua về, dù là cái bao bì đựng, mình đều hỏi 1 câu: trách nhiệm của mình đối với các vật chất này là gì? Bao bì này chỉ để vận chuyển tới đây, rồi đem bỏ 1 cách vô trách nhiệm của bản thân như vậy sao?
Có thể các bạn thấy tư tưởng vô trách nhiệm này hơi quá, nhưng khi ta thật sự trân trọng dù là 1 cái bao bì, nhìn thấy công sức người tạo tác và cả tài nguyên thiên nhiên để tạo ra, rồi sự chịu đựng của tự nhiên để phân hủy nó… đó là trách nhiệm của ta. Ta mua nó về, vì ta mua, nên nó mới phát sinh ra.
TỐI GIẢN THỜI GIAN
Cũng có những lúc, ta cần mua 1 món mới, thay thế 1 món cũ vì có nhiều tiện ích hơn, và giúp ta tiết kiệm thời gian.
Cụ thể, đó có thể là 1 cái nồi All in One, giúp nấu 1 bữa ăn từ 2h xuống còn 30p và chúng ta cần dùng mỗi ngày.
Hoặc đó là 1 cái xe hơi, thay cho 3 cái xe máy và chúng ta có đủ thu nhập cũng như nhu cầu để chạy xe oto mỗi ngày, chứ không phải mua về chỉ để dành rãnh rỗi đi hóng gió.
Khi mua đồ mới rồi, đồ cũ thanh lý, cho tặng bán bớt… để tối giản không gian ở, tăng diện tích Thở và hưởng thụ của bản thân.
Một khía cạnh khác khiến chúng ta tốn thời gian là các thiết bị điện tử và các app. Thời gian lướt tin tức, mạng xã hội… rồi tham gia vào các thị phi là những thứ gây lãng phí thời gian.
1 cái điện thoai hàng chục cái app, mà khi nhìn vào báo cáo, toàn là những app mấy chục tháng chưa xài tới. Đó cũng là 1 thứ đang bắt bạn phải gánh 1 phần trách nhiệm, dù nó nằm trong bộ nhớ điện thoại thôi. Có vẻ phi vật lý nhưng cũng là 1 thực thể vật lý.
Xóa bớt app, xóa bớt các tin nhắn không cần thiết, xóa bớt file máy tính lâu ngày… là 1 cách dọn dẹp tâm trí thực sự hiệu quả.
TỐI GIẢN TÂM TRÍ
Hành trình tối giản cũng đồng nghĩa với đi tìm sự đơn giản, trên 1 khía cạnh nào đó. Những điều gì là rắc rối, có quá nhiều “Chữ Phải”, thì bắt đầu bỏ bớt các chữ Phải đó đi.
Ví dụ, nấu 1 món ăn, trong thời giãn cách vừa qua là rõ nhất. 1 tô bún bò đúng như ở tiệm sẽ cần mấy chục thứ nguyên liệu. Nếu cứ chấp Phải này Phải nọ… cho ra tô bún, thì… nhịn đói.
Còn như tùy duyên, đơn giản mà hành, có gì nấu đó. Nó không thành tô bún đúng điệu, nhưng là tô bún đầy tình thương và sự thú vị khi chính mình vào bếp. Trải nghiệm đó đáng giá lắm.
Càng ít công cụ, bạn càng phát huy sáng tạo.
Nhiều người cũng hay lầm tưởng, đặt công cụ thành mục tiêu. Đơn cử là ai cũng muốn sự thịnh vượng đủ đầy, nên họ đặt mục tiêu là Kiếm nhiều tiền. Rồi để kiếm nhiều tiền, họ nghĩ cần phải Có nhiều việc làm, hoặc việc lương cao. Rồi lại bị suy dẫn tiếp, muốn vậy phải Học nhiều thứ, phải dành thời gian Giao tiếp nhiều người bla bla bla…
Những lối suy nghĩ bị dẫn dụ bởi truyền thông và kinh tế thực dụng đó, chỉ khiến con người thêm mệt mỏi và cuộc sống thêm phức tạp.
Thay vì, cứ đặt đúng mục tiêu là Sự Thịnh Vượng.
Thịnh Vượng là có những vật dụng cần thiết để xài. Chẳng hạn, bạn cần 1 căn nhà để ở. OK, căn nhà đó có thể là nhà bạn đang thuê (bạn vẫn còn đủ chi trả tiền thuê, không phải màn trời chiếu đất như bao người rồi còn gì). Hoặc là căn nhà do bên vợ/chồng cho. Có sao đâu, được cho 1 căn nhà, sướng hơn là làm quần quật tích lũy đủ số tiền đó.
Vậy mà nhiều người cũng không thích, cứ phải là Căn nhà do chính tôi kiếm đủ tiền xây cất nên. Tham lam trong mục tiêu quá.
Khi chúng ta chỉ nhắm vào 1 mục tiêu sự thịnh vượng chẳng hạn, tin tôi đi, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn thật sự đủ đầy 1 cách rất hiện thực, không phải là tự An ủi bản thân và gò bó dè sẻn chi tiêu đâu.
Dĩ nhiên, khi bạn đang ở khả năng thu hút mức thịnh vượng nhỏ, bạn cũng cần phải chi tiêu trong khả năng đó. Không nên đòi hỏi mức chi tiêu gấp nhiều lần khả năng. Theo giời gian, cái “level” thịnh vượng của mình mới tăng khi mình thật sự đi đúng đường.