Cơ thể ta đã 2 triệu năm – Review

Thông tin sách Cơ thể ta đã 2 triệu năm

Sách “Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại“, với cái bìa hình chuỗi DNA tạo hình thành 1 con người, thể hiện trọng tâm chính nói về các vấn đề cốt lõi trong bộ gene di truyền của Loài Người, khác các loài khác như thế nào, ở góc độ Sinh học.

Từ đó sách đưa ra giả thuyết giải thích 1 số bệnh phổ biến thời hiện đại hay gặp (có nghĩa là, ý tác giả, ngày xửa xưa là không có). Đó là các căn bệnh như béo phì, ung thư, dị ứng, tiểu đường, đột quỵ…

sách cơ thể ta đã 2 triệu năm

Tên sách “Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại”,

Tác giả: Yongchul Kwon

Dịch giả: Phạm Hồng Nhung

NXB Thế giới – Thái Hà Books

Độ dày: ~200 trang

1. Thân nhiệt:

Con người là động vật Hằng nhiệt, nhiệt độ cơ thể luôn ổn định ở mức trên dưới 37 độ C. Dưới hoặc trên mức này, sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động các cơ quan bộ phận trong cơ thể, và có thể gây chết.

Vì vậy, cơ thể, về di truyền học và qua 1 quá trình tiến hóa dài hàng triệu năm, giữa thời tiết môi trường lúc lạnh giá, lúc nóng bức… ở nhiều châu lục địa lý và điều kiện sinh sống khác nhau, cơ thể người có cơ chế gene điều hòa nhiệt độ.

2 cơ chế thường thấy là tích mỡ/ tiêu mỡ và nhịp đập tim.

Ở cuộc sống hiện đại, con người thích không khí mát mẻ, môi trường bên ngoài luôn lạnh và thấp hơn cơ thể, nên cơ thể phải tăng nhịp tim, tích mỡ nội tạng, mỡ dưới da… nhiều hơn bình thường.

2. Vi khuẩn, vi trùng cộng sinh và hệ miễn dịch

Cơ thể bất kỳ loài sinh vật nào, cũng đều là 1 tập thể nhiều thành phần cộng sinh và tầm gửi, điển hình là vi khuẩn, vi trùng, ký sinh trùng…

Trong cơ thể người, một cơ thể tiến hóa đã 2 triệu năm, vi khuẩn loại cộng sinh là nhóm vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn.

Nhóm vi khuẩn và ký sinh trùng tầm gửi là nhóm gây nên bệnh bằng cách sinh sôi phát triển số lượng hàng tỉ tỉ, tranh giành dinh dưỡng với vật chủ và giải phóng chất độc vào vật chủ gây bệnh.

Tuy nhiên, dù là cộng sinh hay tầm gửi, đặc tính của các loài này đều sống cùng vật chủ, nên ở 1 mức độ nào đó, sẽ không gây chết cho vật chủ. Ngược lại, vật chủ lại có cơ chế riêng để tự bảo tồn nguồn thức ăn và sự khỏe mạnh của mình, nên hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh.

Có đến 2 hệ thống “phòng thủ” này, gồm 1 hệ cơ bản, chuyên trị các thành phần “yếu”, tác hại thấp, và 1 hệ tối cao, chuyên trị các thành phần mạnh và nguy cơ cao.

Ngoài ra, do vi khuẩn là “đối tác” tiêu hóa thức ăn chính yếu của cơ thể, nên các cảm giác thèm ăn phần lớn đều do vi khuẩn tạo ra.

Cơ chế đó đã điều tiết sự sinh sôi, cộng sinh cũng như tầm gửi có chừng mực của nhiều loài trên 1 vật chủ là cơ thể người.

sức đề kháng và hệ miễn dịch

Với sự phát triển của y khoa và tâm lý Ghét vi trùng của đại đa số, thuốc tây đã giết chết vi khuẩn cả lợi và hại, đồng thời làm tắt cơ chế miễn dịch cơ bản.

Ngoài ra, việc không có vi khuẩn yếu xâm nhập vào cơ thể thường xuyên, hệ miễn dịch cơ bản cũng ít được “thực tập và rèn luyện”, nên dần “ngủ quên”. Từ đó, 1 hạt phấn hoa vô hại cũng thành dị ứng lớn.

3. Bản tính đi săn và Stress

Con người thời nguyên thủy, sống giữa hoang dại rừng núi, đầy nguy hiểm.

Để bảo vệ bản thân, cũng như có thức ăn, con người phải rèn luyện khả năng đi săn và luôn lo sợ, đề phòng thú dữ. Bản tính và trạng thái “luôn ở trong cuộc chiến, luôn săn bắt” đó, hơn 2 triệu năm, tạo thành 1 nếp tập quán vào tâm trí con người, ở hình thức di truyền.

Ở cuộc sống hiện đại, ngoài tìm kiếm thức ăn và tránh thú dữ, con người còn có những tập quán xã hội phức tạp hơn nhiều như danh vọng, thành công, ham muốn, vật chất xa hoa…. dẫn đến trạng thái stress cao hơn, nặng hơn so với người ngày xưa.

Cơ thể ta đã 2 triệu năm với bộ gene quy định lối sống thuận tự nhiên, nay phải chịu áp lực giữa những lối sống… kỳ quặc. Liệu có duy trì và tồn tại được không?

4. Sinh con, di truyền nòi giống và sự bảo vệ bản thân

Khi người mẹ mang thai 1 đứa trẻ, đứa trẻ giành dinh dưỡng với người mẹ.

2 cơ thể nằm trong 1 nguồn dinh dưỡng, vừa phụ thuộc nhau, vừa tranh giành nhau.

Đó là 1 cuộc chiến của di truyền. Vì thế, khi tâm lý bố mẹ chưa sẵn sàng cho 1 đứa trẻ ra đời, cuộc chiến giằng co này càng lớn, càng dễ kéo theo các bệnh lý như hiếm muộn, ốm nghén quá độ, tiểu đường thai kỳ, dị tật bẩm sinh…

Tác giả: Yongchul Kwon, tác giả sách Cơ thể ta đã 2 triệu năm còn giải thích nhiều vấn đề liên quan nữa, và quan trọng, ông đưa ra được cơ chế bật/ tắt gene di truyền  này. Biết được cơ chế này, chúng ta có thể phần nào điều khiển được sự thích nghi của cơ thể với nhịp sống hiện đại, vừa thuận hợp với cơ chế di truyền đã hằn sâu trong DNA chúng ta.

Lời kết

Sách Cơ thể ta đã 2 triệu năm, tuy mỏng chỉ hơn 200 trang nhưng chứa đựng lượng lớn kiến thức hữu ích về bộ gene di truyền của loài người.

Thông tin rất cô đọng và giải thích khá dễ hiểu, lời văn đơn giản dễ đọc, thu hút người đọc.

Càng đọc, ta càng thấy như tìm về những cái gì rất giản dị đời thường, về cái gene sẵn có đã 2 triệu năm trong từng tế bào của cơ thể. Giúp ta luôn “À, té ra như vậy”. 1 quyển sách nhỏ giải thích được biết bao là thắc mắc rất đời thường nhưng không hiểu được.

Vô tình, Đen Vâu cũng lại có bài hát 2 triệu năm. Con người có bộ gene 2 triệu năm cho cơ thể để tiến hóa, thích nghi, tồn tại. Tâm hồn 2 triệu năm… cho 1 sự tìm kiếm tình yêu. 1 tình yêu đơn phương, chỉ có hòa với biển cả bao la để thấy mình tồn tại và hòa tan.

Để không còn lẻ loi.

Anh cô đơn giữa tinh không này
Muôn con sóng cuốn xô vào đây
Em cô đơn giữa mênh mông người
Và ta cô đơn đã hai triệu năm
.......

Anh đã tin vào em như tin vào thuyết nhật tâm
Như Ga-li-lê người ta nói anh thật hâm
Có lẽ Đác-win biết biển cả sẽ khô hơn
Nhưng anh tin ông ta không biết chúng ta đang tiến hoá để cô đơn

2 bình luận về “Cơ thể ta đã 2 triệu năm – Review”

Viết một bình luận