NHỮNG TRẢI NGHIỆM TRONG KHÓA THIỀN VIPASSANA

Khóa thiền 10 ngày Vipassana đầu tiên của mình là vào tháng 2/2016, và trùng hợp thay, tháng 2 này mình vừa vào khóa, đánh dấu hành trình 9 năm thực hành món này.

Năm 2016 đánh dấu thời điểm mình xuống đáy cuộc đời, với căn bệnh trầm cảm từ đâu xuất hiện và đi kèm những thứ khác ra đi như công việc, sức khỏe, tình cảm. Khóa đầu tiên, mình yêu thích món này liền vì mình ngủ được. Mỗi ngày, mình đều ngồi 1 tí rồi ngủ, vì không ngồi là không ngủ được.

Khóa tháng 2/2025 vừa rồi, bạn thiền sinh nhận đơn có hỏi mình, sau 9 năm và ngồi hơn 10 khóa thiền, chị có còn bị trầm cảm không? Mình trả lời, chị thấy chị như mọi người bình thường khác rồi, có buồn vui tùm lum, cũng có lúc trầm lúc bổng. Chắc tạm gọi là ổn định vậy.

Quá trình thay đổi này, chủ yếu là nhờ thực hành thiền và ứng dụng thiền vào đời sống.

Nói ngắn gọn cơ duyên đến khóa thiền như vậy, bài viết hôm nay mình xin mô tả rõ cho các bạn, khi ngồi thiền Vipassana 10 ngày, chúng ta thấy gì, trải qua những gì mà nhiều người kể về tác dụng lợi lạc bất ngờ khó tin.

Cái thấy thường xuyên thứ 1, của 100% người, là suy nghĩ và vọng niệm. Thiền không phải là đặt chân ngồi xuống và tự dưng tắt hết suy nghĩ, mà suy nghĩ vốn là thường hằng của tâm trí. Như tim thì đập, não thì cứ khởi hết ý niệm này tới ý niệm khác. Dĩ nhiên các bậc thánh thì trạng thái họ suy niệm khi thiền ra sao mình chưa rõ, nhưng có 1 điều chắc chắn, còn là thiền sinh thì còn vọng niệm tùm lum. Và mỗi thời thiền là mỗi cơ hội thực hành quán sát vọng niệm, đặt tâm an trú không bị vọng niệm chi phối.

Vọng niệm là những chuyện quá khứ đã qua và tương lai chưa tới. Ngồi không ắt rãnh rỗi, tâm trí lại càng suy nghĩ nhiều. Và những vọng niệm này, lại ma mãnh liên kết tới những tiềm thức, những vấn đề của cơ thể, khiến ai ai cũng sẽ thấy điều thứ hai bên dưới.

Điều thứ 2, mà 100% ai cũng thấy, dù đi 1 khóa hay nhiều khóa, khóa nào cũng thấy, đó là ĐAU. Xác nhận lần 2, thấy Đau. Lần nữa khẳng định, Đau tùm lum.

Cái đau thứ nhất là đau ở trên thân thể. Dù ngồi kinh nghiệm cỡ nào, cơn đau cũng xuất hiện thôi. Thiền sinh mới thì đau ê ẩm, đau nhức cơ bắp, tê chân mỏi lưng chùn gối do ngồi chưa quen. Hoặc tốt hơn, thấy thêm vài chỗ đau do vài căn bệnh nào đó. Thiền sinh cũ thì cái đau nó nằm sâu hơn, trong gân trong tủy, trong từng búi thần kinh. Và bạn có thể dùng mọi từ ngữ biểu diễn cơn đau để mô tả. Mỗi thời thiền trạng thái đau có thể sẽ khác nhau. Đi càng nhiều khóa, danh mục thể loại đau bạn trải nghiệm càng nhiều hơn.

Cái đau thứ hai, là cái đau khổ trong tâm lý. Những cơn đau thân, qua quá trình quán sát cơ thể như một kỹ thuật thực hành trong khóa thiền, sẽ đi kèm với những tâm trạng khác nhau, và bạn có thể sẽ liên kết thấy được những đau khổ chất chứa trong tâm lý của bản thân. Đó là những sự việc đã xảy ra, những kỷ niệm, những sự kiện, những va chạm, những bất công, những ấm ức, những chịu đựng… mà tạo cảm xúc mạnh cho bạn lúc trải qua chúng.

Như một đoạn phim hay, khi xem, bạn như cuốn vào phim, bức xúc hay vui thích cùng nhân vật, thì khi ngồi thiền, các ý niệm về đoạn phim này cũng tua về, kèm theo một số tâm trạng và những cơn đau. Hoặc như một sự việc với các mối quan hệ, bạn chịu ấm ức, bất như ý, yêu ghét mạnh, sẽ tạo thành những tâm trạng đau khổ cường độ mạnh hơn và đi kèm những cơn đau trên thân, nơi tương quan chứa đựng sự liên kết thân – tâm đi kèm sự kiện đó.

Ngồi nhiều, quán sát nhiều đau khổ của bản thân mình, và thấy rõ hơn 1 số nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm của chính mình, mình mới thấy đó là sự mong cầu người khác phải như vầy như kia, đáp ứng cái bản ngã của mình, và sự không hài lòng xét nét từng li từng tí hành động lời nói tâm ý của người khác, nôm na là cái tâm hẹp hòi nhỏ mọn. Còn nhiều tâm tính trái nết chằn ăn trăn quấn khác nữa.  Và đúc kết được một điều tâm đắc:

“NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA BẢN THÂN PHẦN LỚN LÀ TỪ SAI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC MÀ RA”

Mình từng phán xét người ta sai trái, thiếu hiểu biết, ngu dại, làm tổn thương mình, nhưng rồi tự dưng mình bị tổn thương vì cái “sai” của người khác, thấy ra, mình là đại ngu dại, mà nhà Phật gọi là Vô Minh.

Vọng niệm và những nỗi đau cứ xuất hiện, tồn tại và rồi tan hoại, thiền sinh sẽ trải nghiệm được tính vô thường của mọi việc. Và khi thấy được quá trình này, tâm sẽ dần bớt lo lắng bất an khi cơn đau xuất hiện. Đau vẫn đến và đi, nhưng tâm bình thản chấp nhận và chỉ quan sát. Luyện cái tâm giữa lúc cơ thể đau đớn, tâm trạng đau khổ vì những chuyện đã qua, mà lúc ngồi thiền có thể không biết được là chuyện gì, dần dà gọi là Tâm bình an. Cái bình an có được không phải từ sóng yên biển lặng, mà từ giông bão bên trong.

Và tâm bình an càng rõ nét thuần thục hơn, khi hết thời thiền, đứng dậy bước ra cuộc đời, giữa giông bão cuộc đời bên ngoài, tâm bình an được dịp ứng dụng.

Khi tâm bình an phát triển, đi kèm tâm xả phát triển theo. Khi đó, những nguyên nhân gây ra các đau khổ cả thân và tâm sẽ được “bốc hơi” khỏi tâm trí. Có khi, mình quên luôn chuyện đã xảy ra như thế nào. Cũng có khi, nhớ được, kể được đại khái nhưng cảm xúc đi kèm đã không còn. Chuyện kể như để kể, không còn tiếp tục gây buồn vui nữa. Gọi là nỗi đau được “xả”, và những tổn thương trong tâm cũng được chữa lành.

Tâm trạng ngày một ít tổn thương, sẽ tự vui lên.

Mình xin chia sẽ tiếp các góc trải nghiệm khác trong các khóa thiền Vipassana nhé. Nói chung, nó không phải là chill thơ mộng du dương khoái lạc an yên như các hình ảnh về thiền hay các buổi thiền trà, thiền thư giãn này nọ. Nó là quá trình mà chúng ta phải tự “đóng” bớt 5 căn, gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, xúc. Cảnh vật xung quanh đẹp hay không, thì đầu khóa dạo chơi cho vui thôi, giữa khóa càng phải giảm nhìn, giảm nghe, giảm ngó nghiêng tò mò lại. Càng ít cảnh vật sự kiện bên ngoài tiếp nhận, tâm trí mới toàn tâm quán sát các vấn đề bên trong, gọi là định lực được tập trung nâng cao hơn.

Ăn uống cũng giảm mỹ vị, vì càng ăn nhiều càng ngủ, tâm trí không còn tỉnh thức để thiền nữa. Khi thiền, các bạn sẽ thấy tâm mình nó ảo tưởng và mê muội vô minh dày đặc lắm. Và khi được trải nghiệm giây phút tâm tỉnh thức, mình mới hiểu té ra mỗi ngày mình đang thức nhưng thực sự là ngủ. Con mắt mở nhìn sự vật gọi là thức nhưng tâm trí là mê muội ngủ trong ảo tưởng của bản thân. Nên mới nói vì sao Phật là Tỉnh giác và là bậc Tỉnh thức. Và thiền Vipassana giúp tâm trí được Tỉnh thức. Đi thiền nhiều, mới thấy tâm trí mình nhạy cảm, yếu đuối và bản tính mình nhiều xấu xí lắm. Thấy rồi lại thương bản thân, vì mình làm cho mình như vậy chứ có ai bên ngoài đâu. Thương mình rồi thương người. Tình thương phát triển, lòng từ phát triển, tự nhiên, an

2 bình luận về “NHỮNG TRẢI NGHIỆM TRONG KHÓA THIỀN VIPASSANA”

Viết một bình luận

Review Your Cart
0
Add Coupon Code
Subtotal