Sau 1 thời gian tôi cứ nghĩ là con người ta sợ mất hết tài sản gia đình tình yêu… sau khi chêt nên tôi có phần hơi… xem thường, và hay rao giảng Cuộc đời đó có gì đâu mà giữ hoài.
Nhưng rõ ràng, tôi cũng sợ chết lắm. Tôi luôn luôn nhắc đi nhắc lại câu Mình sẽ sống 120 tuổi để cố gắng hy vọng được sống tới tuổi đó, mà hơn nữa hơn nữa, để né tránh cái chết.
Vậy thì, cớ gì tôi sợ chết dữ vậy? Và những người khác, vì sao họ sợ chết?
Nỗi sợ lớn nhất có phải là sợ chết?
Không phải 100% nhân loại đều sợ chết đâu. Có thể phân ra 3 nhóm người theo hệ quy chiếu Nỗi sợ chết như sau:
- Người sợ chết nhưng vẫn cứ sống từng ngày
- Người không sợ chết nhưng sợ thứ khác nhiều hơn đến nỗi không dám sống nữa và tự tử
- Người không sợ chết nhưng không tự tử và vẫn sống từng ngày
Người số 1 và số 3, họ đối diện với cái chết bằng 2 tâm thái khác nhau, nên phong thái sống của họ ắt cũng khác nhau thôi. Mà để không sợ chết mà không tự tử, tôi đoán là họ cũng từng thuộc nhóm số 1, mà rơi vào hoàn cảnh chạm nhẹ đến cái chết, tâm thức đánh động và rồi tự dưng họ thấy chết cũng thường thôi sao đó, nên họ không còn sợ nữa. Phần này tôi nghĩ vậy thôi chứ tôi chưa gặp ai trong tình trạng đó, cũng chưa tự mình trải nghiệm nên không hiểu được vì sao họ không sợ chết.
Nhóm người số 1 có lẽ là chiếm đại đa số trong cộng đồng. Họ, ai ai cũng sợ 1 ngày mình chết đi.
Họ sợ điều gì về cái chết?
Bạn sợ điều gì về cái chết?
1 dòng thông điệp từ cô Barbara Ann Brennan
Trong quyển sách Chữa lành ánh sáng bản thể, cô Barbara có nói về vầng năng lượng sinh học thứ 4 bao quanh con người (mỗi người có 7 vầng năng lượng sinh học như vậy). Tại vầng này, cô thấy được các dấu vết vũ khí đã từng xâm phạm vào cơ thể của 1 người qua nhiều kiếp sống.
Tức là, ví dụ ở kiếp n nào đó, bạn bị những ngọn giáo đâm vào. Thì các ngọn giáo đó vẫn nằm trong vầng năng lượng này và nỗi đau đó vẫn nằm trong tiềm thức và cơ thể ở kiếp hiện tại của bạn, gây ra cho bạn những nỗi đau tương tự như khi bị giáo đâm vào.
Mà không chỉ vũ khí, các vật dụng hàng ngày làm thành vết thương của bạn cũng lưu giữ tại đó.
Hay các nỗi sợ, các tổn thương tình cảm, cảm xúc gây ra đau khổ tinh thần cũng lưu giữ lại.
Và những đau khổ nhiều kiếp trước nằm ở các vầng năng lượng của bạn, theo luân hồi tái sinh, tạo thành các vết nứt trong trường năng lượng xung quanh bạn, gây ra cho bạn các bệnh mạn tính, cơ địa, và cả các nỗi sợ.
1 dòng thông điệp khác từ chú Cao Minh
Chú là 1 bác sĩ tâm thần học, người Trung Quốc, và viết quyển sách Kẻ điên bên trái, thiên thần bên phải. Trong sách đó có 1 câu chuyện, 1 người đàn ông nhớ được các tiền kiếp của mình.
Đáng sợ ở chỗ, ông nhớ như in các khoảnh khắc mà ông chết. Ôi, tất cả cảm giác của cơ thể vào những đoạn chết chóc đó ở kiếp trước, ông đều cảm nhận y lại như vậy, vừa thấy hình vừa nhận luôn những nỗi đau.
Rõ ràng, lúc người ta sắp chết, người ta rất đau. Và các nỗi đau đó còn lưu giữ lại trong tiềm thức và trên cảm giác cơ thể của họ.
Kết nối 2 dòng thông điệp từ cô Barbara và chú Cao Minh, tôi ngờ ngợ rằng, Nỗi sợ chết đến từ Nỗi sợ đau của cái chết.
Các trải nghiệm thiền
Thỉnh thoảng trong vài thời thiền, tôi cũng cảm nhận được những điều rất lạ. Ví dụ, có lần thì nóng rát da y như ngồi cạnh đống lửa. Có lần thì nghẹt thở, căng cơ cổ như hấp hối sắp chết….
Kinh Phật dạy, 18 tầng địa ngục. Khi thiền, cảm giác cũng tương tự như đang trải qua 1 tầng địa ngục nào đó.
18 tầng địa ngục, có phải là ẩn dụ cho các tổn thương vẫn còn lưu lại trong các trường năng lượng của ta?
Kết ý
Nỗi sợ chết nằm trong tiềm thức, là các sự đau đớn của cả thân và tâm của những cái chết từ nhiều kiếp trước.
Những cái chết càng đau đớn, về hằn tâm thức càng sâu và để lại di chứng ở kiếp sau, có thể là các vết bớt, nốt ruồi, hoặc những nỗi sợ không lý giải được (sợ lửa, sợ phòng tối, sợ độ cao, sợ nước v.v…).
Đối với người tự tử, họ không những cắt các đau đớn từ cuộc sống, mà sau khi chết, linh hồn họ phải đối diện tiếp với các đau đớn đó, ở cường độ cao hơn nhiều. Do tổn thương vẫn còn đó, vẫn nằm trong tầng năng lượng mà họ gạt đi cơ hội chữa lành từ cuộc sống có cái THÂN này. Nỗi đau vẫn còn lưu trong các trường năng lượng, cộng thêm nỗi đau của cái chết.
Đáng thương thay!
Chọn 1 cái chết nhẹ, là buông bỏ và chữa lành nhiều nhất có thể những tổn thương trong tâm.